Tôi vẫn hay hỏi thằng Bình – người bạn đồng hành – rằng là “Mày nghĩ gì về chuyến đi Zanskar?”. Và câu trả lời thường là cái lắc đầu rùng mình kèm một tràng dài cười ha hả của nó. Chắc có lẽ chặng đường chở tôi từ Kargil vào đến Padum giữa cái lạnh cắt da cắt thịt của tiết trời tháng 5 cả đi lẫn về mỗi chiều hơn 13 tiếng đã khiến nó ám ảnh đến tận bây giờ. Thế nhưng, tràng cười kia vừa dứt thì nó cũng kịp nhớ lại một vài thứ khác ở Zanskar, mà chính tôi cũng không thể nào quên.
—
5h sáng, điện thoại reo. Chúng tôi thay phiên nhau sử dụng nhà vệ sinh. Về cơ bản, quần áo đã được pack lại gọn gàng từ đêm hôm trước. Mớ bánh kẹo, thuốc thang được các chị gom lại tặng cũng đã sẵn sàng trong 2 bọc lớn. Hành trình 7 ngày tiếp theo khám phá Zanskar chỉ còn lại 2 đứa.
—
6h sáng, cả 2 đã có mặt tại bến xe cạnh quảng trường Leh. Chiếc vé xe bus tôi nhờ Prakash mua chiều hôm trước đã sẵn sàng trên tay. Sợ chúng tôi không biết đường ra bến xe, Prakash còn nhờ chú quản gia sáng nay dắt chúng ta ra tận nơi, tìm cho đúng xe bus, đợi 2 đứa lên xe rồi mới quay về. Chả mấy khi được dịp dậy sớm như thế này, được đi qua những con phố còn chìm trong cơn ngái ngủ. Mà vốn dĩ những con phố ở Leh, ngoại trừ khu quảng trường ở trung tâm thị trấn ra thì chỗ nào cũng có tí trầm mặc, vắng chút hơi người. Ông mặt trời từ từ ló dạng. Tôi phấn khích lao ra khỏi xe, chạy vội đến bờ tường của bến xe, nơi có mấy tảng đá, cốt để leo lên cao hơn 1 xíu mà ngắm bình minh đang nhuộm vàng những ngọn núi tuyết từ xa. Rồi như chợt nhớ ra xe sắp lăn bánh, tôi ngậm ngùi quay lại.
6h30, chiếc xe bắt đầu lăn bánh. Tạm biệt Ladakh, chúng tôi vừa hồi hộp, vừa phấn khích vì mình đang bắt đầu một hành trình mới, đi về trái tim Zanskar. Từ Leh đến Kargil chỉ đâu đó chừng 220km, nếu đi taxi/ ô tô riêng, bạn chỉ mất chừng 5 giờ hơn để đến đích. Riêng xe bus công cộng (với giá chỉ 800Rs/ 2 đứa thay vì 8000Rs/ 2 đứa nếu đi taxi) mất tận 8 giờ đồng hồ. Xe có thể dừng bất kỳ lúc nào nếu có khách. Mà quái lạ thay những vị khách này bắt xe giữa đồng không mông quạnh, giữa mênh mông là núi đá, không thấy nổi một căn nhà chứ đừng nói chi một khu dân cư. Mãi sau này tôi mới biết, họ sống trong những thôn xóm đằng sau kia những quả đồi, muốn vào thị trấn phải đi bộ một đoạn đường dài ra đến cao tốc rồi mới bắt được xe bus. Chúng tôi có qua 1 trạm checkpoint, vì là khách quốc tế nên phải xuống khai báo với cảnh sát địa phương. Mọi lần, thủ tục checkpoint đều do các bạn local guide đi cùng phụ trách, và những checkpoint đều yêu cầu permit. Lần này, phải tự mình làm và chẳng có lấy 1 tờ giấy permit nào bên cạnh nên tôi có phần hơi lo. Nhưng đến nơi rồi thì mới thấy các bạn cảnh sát rất dễ thương. Họ chỉ hỏi vài câu đơn giản như đi đâu, làm gì rồi hướng dẫn tôi điền thông tin cá nhân vào cuốn sổ và cho qua. Vì xe chạy quá giờ trưa nên chúng tôi dừng chân lại ăn trưa ở Wakha, có lẽ là 1 ngôi làng nhỏ. Lần lượt vượt qua “mảnh đất mặt trăng” Lamayuru đến ngọn đèo Fotu La, cuối cùng, chúng tôi cũng đặt chân đến thị trấn Kargil.
—
14h30, chúng tôi quyết định lao ra khỏi vòng vây của cánh tài xế ở bến xe, đi bộ về hướng ngược lại để tìm khách sạn. Chiếc balo hơn chục ký trên lưng bắt đầu nặng dần thì vớ được tiệm thuê xe máy trông cũng khá xịn sò. Hai đứa ghé vào hỏi giá, với suy nghĩ nếu được thì thuê luôn rồi chạy lòng vòng tìm phòng sau cho đỡ mỏi lưng. Là một trong số ít những tiệm cho du khách thuê xe ở Kargil, anh bạn người Ấn vẫn giữ thái độ niềm nở và có phần phấn khích khi nghe chúng tôi sẽ chạy xe máy vào Padum vào ngày hôm sau. Anh chàng dặn dò một số thứ, tặng kèm cho 2 can để đựng xăng, găng tay và đồ bảo hộ; đặc biệt giới thiệu luôn khách sạn ở đối diện bên kia đường là của bạn anh. Phew, thế là 2 trong 1. Phút chốc đã thuê được xe và có chỗ ở đêm nay. Chúng tôi thuê 1 chiếc Royal Enfield Classic 500 với giá 1500Rs/ ngày (tương đương 500.000 VNĐ/ ngày).
Sau khi nhận phòng, chúng tôi tranh thủ test xe máy và đi dạo 1 vòng ở Kargil. Điểm đầu tiên là viewpoint toàn cảnh thị trấn. Nằm bên cạnh dòng sông Suru hiền hoà, Kargil được ví von như là thủ phủ của Hồi giáo ở phía Bắc Ấn với hơn 80% dân số theo Đạo Hồi. Có lẽ tiết trời đầu tháng 5 khiến người ta khoan khoái dễ chịu hơn nhiều. Băng giá qua đi thì những mầm xanh cũng bắt đầu nảy lộc. Từ trên cao nhìn xuống, cả thị trấn Kargil chìm trong màu xanh mướt, cảm giác yên bình quá đỗi.
Điểm thứ hai trong chiều hôm đó là Hunderman – ngôi làng của những thương nhân Pakistan trên tuyến đường tơ lụa huyền thoại. Toạ lạc ở ngoại ô Kargil, ngôi làng Hunderman trở nên đặc biệt bởi chính vị trí và những sự kiện xảy ra trong quá khứ. Giai đoạn 1947 – 1971, ngôi làng thuộc địa phận của Pakistan. Sau 1971, ngôi làng chính thức trở về dưới sự kiểm soát của chính quyền India sau một đêm, khiến các cư dân ở đây rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Một số người chọn quay về Pakistan, một số người chọn ở lại chiến đấu với cuộc sống, … để rồi giờ đây ngôi làng trở nên vắng lặng không một bóng người. Mãi đến năm 2015, Ilyas Ansari – 1 cư dân của ngôi làng đã quyết định quay về xây dựng bảo tàng nhỏ để khôi phục lại các nét văn hoá và đời sống của người dân Pakistan trong quá khứ. Đầu tháng 5 cũng là lúc hoa anh đào ở khu vực này nở rộ. Cả ngôi làng im ắng, nép mình bên những triền đồi, bao bọc bởi những hàng anh đào khoe sắc.
Nấn ná chút hoàng hôn, chúng tôi vội quay ra xe để kịp về lại thị trấn trước khi bóng tối ập xuống. Tối nay tôi có hẹn với đối tác ở khu vực Zanskar để bàn bạc cho những hành trình sắp tới. Về tới khách sạn, bữa tối đã được chuẩn bị sẵn sàng. Văng vẳng bên ngoài là tiếng chuông thánh đường vang lên, tiếng người râm ran cũng dần thưa bớt, nhường lại cho đêm đen tịch mịch. Kargil buổi tối vắng vẻ, không một quán cafe, không một cửa hàng. Dường như những tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng chục năm trời giữa Pakistan và India cũng khiến người dân có chút mệt mỏi và dè chừng với người ngoại quốc. Ở đây, người ngoại quốc không được mua SIM. Sau này tôi mới biết đó là lệnh của toàn bang Jammu & Kashmir chứ không chỉ riêng gì ở Kargil.
Không có việc gì làm, chúng tôi đọc lại lịch trình cho ngày mai, pack lại hành lý thật gọn rồi tranh thủ nghỉ ngơi sớm cho những ngày dài phía trước.
Đọc thêm:
[Du ký] Zanskar – The search for Happiness – Part 2
[Du ký] Zanskar – The search for Happiness – Part 3