Với những đứa mê trekking như tôi, thì Everest Base Camp (EBC) là một cột mốc không thể nào bỏ qua trong cuộc đời. Hành trình chinh phục trại nền EBC của tôi diễn ra trong 17 ngày, từ 01.03.2019 – 17.03.2019, đầu mùa du lịch của nơi đây. Sau bài chia sẻ về việc “Chuẩn bị gì cho hành trình chinh phục Everest Base Camp” từ hơn 1 năm rưỡi trước, tôi lại tiếp tục viết lại mục du ký – kể lại những trải nghiệm của tôi trong hành trình này.
Lịch trình trekking cơ bản
- Ngày 1: Kathmandu (1.320m) – Lukla (2.804m) – Phakding (2.623m)
- Ngày 2: Phakding (2.623m) – Namche Bazar (3.440m)
- Ngày 3: Namche Bazar (3.440m) – Sargamatha National Park – Everest View Hotel (3.880m) – Namche Bazar (3.440m)
- Ngày 4: Namche Bazar (3.440m) – Tengboche (3.860m)
- Ngày 5: Tengboche (3.860m) – Dingboche (4.410m)
- Ngày 6: Dingboche
- Ngày 7: Dingboche (4.410m) – Lobuche (4.910m)
- Ngày 8: Lobuche (4.910m) – Everest Base Camp (5.364m) – Gorak Shep (5.140m)
- Ngày 9: Gorak Shep (5.140m) – Pheriche (4.240m)
- Ngày 10: Pheriche (4.240m) – Namche Bazar (3.440m)
- Ngày 11: Namche Bazar (3.440m) – Lukla (2.804m) – Kathmandu (1.320m)
Ngày 1: Kathmandu (1.320m) – Lukla (2.804m) – Phakding (2.623m)
Mặc dù đã cố gắng đi ngủ sớm từ tối hôm trước, nhưng tâm trạng háo hức chờ đợi được đặt chân đến EBC khiến tôi cứ thao thức, vừa hồi hộp, vừa phấn khích. Toàn bộ hành lý quan trọng đã được bàn giao cho porter, tôi chỉ giữ cho mình chiếc balo 35L với vài món đồ điện tử, sạc dự phòng, khăn giấy, đồ ăn vặt, bình nước cùng bộ sơ cứu. Tính sơ sơ đâu đó khoảng 5-7kg vác trên vai mỗi ngày.
5AM
Xe trung chuyển đưa chúng tôi đến ga quốc nội của Sân bay quốc tế Tribhuvan, Kathmandu. Con đường đầy khói bụi và ồn ào của hôm qua đã thay bằng màn đêm tịch mịch, im như ru. Thành phố vẫn còn chìm trong giấc ngủ, ngoại trừ những người hành hương đã trật tự xếp 1 hàng dài trước mấy ngôi đền. Dil bảo hôm nay có lễ hội quan trọng. Trong cơn ngái ngủ tôi chẳng thể nhớ được tên.
Xe trờ tới sân bay, chúng tôi chuyển hành lý vào bên trong và làm các thủ tục để bay. Có khá nhiều hãng bay nội địa khai thác chặng bay Tribhuvan (Kathmandu) – Tenzing-Hillary (Lukla). Sân bay Tenzing-Hillary được đặt tên theo 2 người là Sir Edmund Hillary và Sherpa Tenzing Norgay, là những người đầu tiên leo lên đến đỉnh Everest và cũng để đánh dấu những nỗ lực của họ trong việc xây dựng sân bay này. Với đường băng cất/ hạ cánh chỉ hơn 500m (trong khi tiêu chuẩn lý tưởng là khoảng 1.800m), địa hình núi cao, thời tiết thay đổi đột ngột; sân bay này được đánh giá là “một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới”. Loại máy bay được khai thác ở đây là máy bay cánh quạt loại nhỏ, chỉ khoảng 14 người kể cả 1 tiếp viên trên máy bay. Bởi lẽ vậy, sẽ không có gì khó hiểu nếu chuyến bay của bạn bị delay một vài giờ, thậm chí tệ hơn là bị hủy 1-2 ngày. Và hôm nay là một ngày may mắn với chúng tôi. Sau khoảng 2 giờ delay, thời tiết đã ủng hộ để chúng tôi cất cánh.
11AM
Không biết chú phi công thế nào chứ chúng tôi thì không có sợ mấy. Đứa nào cũng loi nhoi nhìn ra cửa sổ, cố nhìn cho được cái đường băng lúc hạ cánh. Chuyến bay vỏn vẹn đâu đó chừng 30 phút đã đưa 10 con người loi nhoi này đến với Lukla, bắt đầu hành trình chinh phục Everest Base Camp. Bước ra khỏi máy bay, chúng tôi đi bộ vào bên trong, nhận hành lý và gặp porter ngay tại sân bay. Sau đó đi chuyển về khách sạn ngay bên cạnh với view bao quát được đường băng; dùng bữa trưa nạp đầy năng lượng.
1:30PM
Sau khi đã phân chia hành lý cho porter, gậy trek sẵn sàng trên tay, chúng tôi bắt đầu đoạn trek đến Phakding với tổng chiều dài khoảng 8km. Nhiệt độ ngoài trời bây giờ là 2 độ, lạnh hơn rất nhiều so với dự tính ban đầu của tôi. Ngày trek đầu tiên trôi qua cũng khá nhẹ nhàng, nhưng không hề thiếu sự phấn khích. Lần đầu tiên được băng qua những con đường núi quanh co, thi thoảng phải nhường đường cho những chú bò yak đang làm nhiệm vụ thồ nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân vùng cao; lần đầu tiên được băng qua những chiếc cầu treo vượt sông; băng qua những chiếc chuông cầu nguyện khổng lồ. Nước từ dòng sông Dhudh Kosi xanh biếc uốn lượn quanh cung đường trek, như là huyết mạch cung cấp nguồn sống cho những ngôi làng xung quanh.
Dọc đường đi cứ cách chừng 1-2 tiếng sẽ có 1 vài tea house như trạm dừng chân giúp bạn nghỉ ngơi, uống trà, thư giãn cơ bắp và nạp thêm năng lượng. Mỗi khi nhác thấy dấu hiệu của những ngôi làng, cơ thể tự nhiên sản sinh ra thêm chút ít sức mạnh khiến tôi rảo chân nhanh hơn. Phần vì sắp được nghỉ ngơi, phần vì sắp gặp những đứa bé Nepal đáng yêu đến lạ.
5:00PM
Chúng tôi đã đặt chân đến tea house ở Phakding. Đường vào tea house trồng hoa 2 bên, thơ đến nối tôi có thể nhảy chân sáo để vào phòng. Đội porter của chúng tôi đã đến từ thuở nào, đang nhởn nhơ ngồi uống trà ngắm hoàng hôn. Nhiệt độ buổi chiều tối xuống khá thấp, cộng thêm phần mồ hôi nhễ nhại, tôi chỉ có thể ngồi nán lại một lúc, uống hết ly chocolate nóng rồi cũng nhanh chóng vào bên trong để sưởi ấm. Cả đoàn ăn tối, ngồi chia sẻ lại vài câu chuyện linh tinh, tranh thủ còn 4G để lướt mạng xã hội rồi sau đó nghỉ ngơi sớm cho ngày trek tiếp theo.
Ngày 2: Phakding (2.623m) – Namche Bazar (3.440m)
Đêm đầu tiên không còn cảm giác chăn ấm nệm êm như đêm ở Kathmandu nữa, cứ ngỡ không lạnh mấy nên tôi không muốn dùng túi ngủ, ai dè một đêm khá chật vật. Sáng sớm, chăn cứ dính lấy người, cơ bản là lười không muốn dậy vì quá lạnh. Lớp quần áo heat tech chả bõ vào đâu với tí gió lùa sáng sớm. Áo quần để trong phòng cũng lạnh cóng. Việc tròng từng chiếc áo chiếc quần vào quả thực là khó chịu. Nhưng nghĩ đến đoạn đường hơn 10km và độ cao thay đổi hơn 800m kia thì phải nhanh chóng để khởi hành cho kịp thôi.
8AM
Chúng tôi ăn sáng. Và luôn kết thúc bữa sáng bằng việc chia nhau mỗi người 1 ly nước C sủi và 1 viên chống sốc độ cao. Nhằm giảm thiểu các động tác thừa thải trong quá trình trekking, cũng như tiếp nước liên tục cho cơ thể, tôi đổ đầy nước ấm vào bình giữ nhiệt để một bên balo, đồng thời pha 1 ít điện giải vào túi nước để sau balo và nối dây lên phía trước vai phải để tiện sử dụng. Mọi thứ đã sẵn sàng, tạm biệt đội porter, chúng tôi chụp vài tấm ảnh lưu niệm với Phakding và lên đường dưới sự hướng dẫn của Dil.
Hôm nay quả thực là một ngày dài. Tôi không thể nào nhớ nỗi mình đã đi qua bao nhiêu ngôi làng, băng qua bao nhiêu chiếc cầu treo, và lê lết qua bao nhiêu cái dốc núi. Cứ xuống rồi lại lên, dốc thăm thẳm. Thiên hạ kháo nhau rằng, đây là ngày leo dốc nhiều nhất trong cả hành trình, chắc người ta chẳng nói điêu đâu. Nỗi khổ của người ốm khi leo núi là khi trời trong xanh, nắng chan hòa, thành thử ra đi thì đổ mồ hôi nóng bỏ mạng, nhưng cứ đứng lại 1 tí đợi đồng đội thì y như rằng 1 cơn gió nhẹ qua cũng khiến mình đông cứng.
1PM
Chúng tôi đến trạm soát vé/ giấy phép (độ cao 2.740m) để tiếp tục được vào khu vực của Vườn quốc gia Sagarmatha. Vì khởi hành trễ, đến đây cũng đã quá bữa trưa nên chiếc bụng cứ đói cồn cào. Thế là được dịp lôi hết mấy vỉ cơm cháy chà bông ra mà nhai ngấu nghiến, thầm ước mình đủ mạnh để có thể vác theo 1 thùng, à không, chỉ 1 lon coca cola thôi là đủ mãn nguyện rồi. Qua trạm kiểm soát, đi bộ 1 đoạn nữa là đến điểm dừng chân ăn trưa. Hành trình tiếp tục với những con dốc liên tục cho tới khi đến được Namche Bazar. Trời càng về chiều, càng lên cao nhiệt độ càng hạ xuống thấp.
5:30PM
Chúng tôi chính thức chạm chân đến Namche Bazar sau khi trải qua 1 trận mưa tuyết nho nhỏ ở gần cuối chặng đường. Dù đang rất mệt nhưng khi phát hiện ra là mưa tuyết, dù những bông tuyết bé tí teo, tôi cũng nhảy cẫng lên vui mừng. Lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến tuyết rơi chứ không phải tuyết đóng dày đặc 2 bên đường nữa. Có lẽ chút niềm vui cỏn con ấy đã bơm thêm năng lượng để tôi nhanh chóng về đến teahouse ở Namche Bazar. Kiểm tra điện thoại, dự báo -4 độ C. Chà, có lẽ đêm nay phải dùng đến túi ngủ thôi.
Namche Bazar là 1 điểm dừng nổi tiếng dọc theo tuyến đường Everest, là nơi định cư của người Sherpa, trên một sườn đồi hình vòng cung với view cực kỳ đẹp mắt. Đây còn là trung tâm thương mại, lịch sử nổi tiếng với món pho-mát và bơ bò yak. Bên cạnh những khách sạn tiện nghi, Namche Bazar còn có đầy đủ nhà hàng, quán cafe và kể cả những quán bar/ pub của người bản địa. Nếu bạn chưa sắm đủ dụng cụ trek trước chuyến đi, ngoài Kathmandu thì Namche Bazar cũng là một lựa chọn. Mỗi sáng Thứ Bảy, mọi người ở đây lại tất bật chuẩn bị cho buổi họp chợ phiên, với sự tham gia của các thương nhân người Sherpa từ các làng lân cận và từ Tây Tạng, để trao đổi hàng hóa và trưng bày các tác phẩm thủ công truyền thống độc đáo.
7PM
Sau khi hạnh phúc vì được tắm rửa sạch sẽ (bỏ tiền để mua nước nóng tắm), chúng tôi quay lại với thực tại về vấn đề ẩm thực. Tôi không chê thậm tệ đồ ăn Nepal trong cung trek, nhưng việc mệt rã rời và chỉ được ăn những món không vừa khẩu vị trong nhiều ngày thì … có chút hơi cực. Thế là, tôi lục túi thức ăn đã gửi porter, lấy vài món đồ hộp, rong biển khô và nước mắm để mượn bếp của teahouse nấu ăn. Mỗi người một bát canh rong biển nóng hổi, một đĩa rau củ trứng luộc để chấm nước mắm pha Việt Nam – cực phẩm.
9PM
Toàn vẫn đang hí hoáy viết vài chữ vào cuốn nhật ký của mình, còn tôi thì chuẩn bị chui vào túi ngủ. Cái cảm giác cởi bỏ lớp áo gió bên ngoài, chỉ còn lại mỗi bộ heattech bên trong và áo thun bên ngoài, người đang ấm lại chui vào chiếc túi ngủ lạnh ngắt, thiệt là tra tấn người khác mà. Cũng may cơ chế tự sưởi ấm của tôi tốt (tỏa nhiệt tốt chăng?) nên chừng 5p sau thì ấm hẳn. Thậm chí nửa đêm tôi còn phải cởi bỏ luôn cả tất và lớp áo thun để đỡ nóng. Chắc là người bị sốc nhiệt rồi đây. Mọi thứ tối dần tối dần, tôi chìm vào giấc ngủ. Kết thúc ngày trek thứ 2 an toàn.
Phần 1: Chuẩn bị
Phần 2: Vé máy bay, visa du lịch và giấy phép trekking
Phần 4: Du ký Ngày 3 + Ngày 4