Lần theo chuỗi ký ức còn lấp lửng trong đầu về một mùa vàng đẹp mê mẩn ở đất trời Tây Bắc, tôi không biết phải bắt đầu với Hoàng Su Phì như thế nào nữa. Câu hỏi đầu tiên trong đâu khi tôi quyết định thảy những dòng ký ức này lên trang chữ, đó là “Tại sao trước giờ mình không đi Hoàng Su Phì sớm hơn?”. Tự nhiên đi một chuyến 9 ngày quẩy tung đất trời, xong về cảm xúc đông đặc, gỡ mãi kiểu gì cũng chẳng ra. Lại cũng chẳng có lấy vài dòng chữ tử tế về một mùa vàng khoe sắc, đã làm nao lòng biết bao du khách. Bài viết này có thể sẽ không làm hài lòng bạn đọc như những bài viết trước (?), chỉ là đã đến lúc cần ghi lại chuyện đi đường, của những ngày mùa thu tháng 9, vậy thôi.

Chúng tôi quyết định sẽ dành 9 ngày khám phá mùa vàng ở phía Bắc, với thời gian dành cho Hoàng Su Phì là khoảng đâu đó 3 ngày, điểm đích ở Hoàng Su Phì là Bản Phùng, nơi có view ngắm ruộng bậc thang được mệnh danh vào hàng cực phẩm. Những ngày còn lại sẽ vòng qua Lào Cai, leo Lảo Thẩn và về Sapa ngắm lúa.
Ngày 1: Hà Nội – Thị trấn Vinh Quang, Hoàng Su Phì
Quãng đường từ Hà Nội lên đến Bản Phùng vào khoảng 320km, nên chúng tôi dự định sẽ đi hết trong một ngày. Kế hoạch là vậy, nhưng thực tế có phần chua chát đôi chút. Chúng tôi khởi hành trên Quốc lộ 2, tạm biệt Thành phố Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, thẳng tiến về Thành phố Tuyên Quang để ăn trưa.

Rời Tuyên Quang, chúng tôi bắt đầu tiến vào đoạn đường mà tôi đánh giá là đẹp nhất của Quốc lộ 2. Đoạn đường ngược dòng Sông Lô hiền hòa, băng qua những bản làng, những ruộng lúa bắt đầu chín vàng. Mãi thong dong với cảnh vật trên đường, chúng tôi rẽ vào DT177 khi trời đã bắt đầu xế chiều.



Kiểm tra lại bản đồ, còn khoảng 60km nữa sẽ đến Bản Phùng. Tôi nhẩm tính, nếu đi liên tục thì đâu đó khoảng 2 tiếng – 2 tiếng rưỡi sẽ đến Bản Phùng. Trời hẵng còn hửng, chúng tôi nhanh chóng lên đường. Tuy nhiên, quãng đường còn lại thực sự khó khăn. Đường đất, đá mấp mô; trời mưa nhẹ; cộng thêm trời sập tối cũng nhanh chóng, xe của tôi và Hiệu đã ngã tại một góc cua. Xốc lại tinh thần, chúng tôi quyết định ưu tiên an toàn, chỉ đi khi mình thực sự sẵn sàng và khỏe khoắn, nên đêm nay sẽ dừng chân lại Thị trấn Vinh Quang, cách Bản Phùng chừng 30km. Vừa trờ tới trung tâm thị trấn, chúng tôi chọn một quán ăn có vẻ sạch sẽ và đông khách để lấp đầy cái bụng đói, nạp năng lượng sau một ngày chạy xe rã rời. Đêm nay, chúng tôi nghỉ lại ở khách sạn Sông Chảy.
Ngày 2: Thị trấn Vinh Quang – Bản Phùng, Hoàng Su Phì
Hôm nay là Chủ Nhật, thị trấn sẽ có chợ phiên. Chúng tôi như mở cờ trong bụng vì không khí nhộn nhịp tấp nập của cả phố núi, khác hẳn hoàn toàn sự im ắng tối qua khi chúng tôi vừa mới đến. Cả một con phố dài dọc theo thị trấn đã được những đồng bào người Mông, Dao áo dài, Nùng, Tày, … đến từ rất sớm để bày bán đủ thứ, từ bó rau cho tới con gà con vịt, từ cái dao cái búa cho tới những bộ thổ cẩm đủ màu sắc.

Chợ phiên ở thị trấn Vinh Quang là 1 trong 3 chợ phiên lâu đời và lớn nhất ở Hoàng Su Phì, với tuổi đời lên đến hơn 200 năm. Chính vì thế, chợ phiên đã trở thành nét văn hóa độc đáo không thể thiếu của cộng đồng dân tộc thiểu số xung quanh vùng núi Tây Côn Lĩnh. Họ họp chợ không chỉ còn để mua bán, trao đổi các vật dụng thiết yếu; mà còn là dịp để gặp gỡ, kết nối, sinh hoạt văn hóa với những người anh em. Có những người đã phải dậy từ rất sớm để có thể kịp họp chợ.
Chúng tôi tranh thủ dạo hết 1 vòng chợ. Thoang thoảng trong gió là mùi mắc khén của những cô gái Dao từ xã Bản Luốc mang xuống chợ để bán. Lại thấy đâu đó mùi thơm cay của thảo quả khi các cô gái Mông ở xã Sán Xả Hồ gùi xuống chợ, xen lẫn mùi vị mặn nồng của mồ hôi đường xa.

Kết thúc dạo chợ phiên, chúng tôi ngậm ngùi chia tay thị trấn Vinh Quang để tiến về Bản Phùng. Quãng đường 30km còn lại ấy thế mà cũng chật vật không kém, đặc biệt là 15km cuối từ lúc băng qua Cầu Suối Đỏ, chạy dọc con suối để đến với Bản Phùng. Con đường quanh co uốn lượn, băng qua không biết bao nhiêu thửa ruộng bậc thang đẹp đến ngạt thở.

Tôi không còn đếm được bao nhiêu lần dừng xe, bao nhiêu lần đưa máy lên chụp, bao nhiêu lần tấm tắc khen. Tôi ngồi sau xe, hôm nay chúng tôi đổi tài xế, Thịnh qua chở tôi. Chả mấy khi được đi một chuyến mà chỉ làm ôm, không phải làm xế, phải tranh thủ mà ngắm cảnh thôi.


Sau hơn 2 giờ chạy xe và ngắm cảnh, chúng tôi đã đến Trọng Phú homestay, với view ngắm toàn cảnh ruộng bậc thang của Bản Phùng. Homestay cũng khá đơn giản, chỉ là nhà sàn với 1 phòng ngủ tập thể, được trang bị chăn bông đầy đủ, có nước nóng để tắm. Đắt giá nhất vẫn là view ruộng từ trên cao, vừa nhâm nhi tách cafe vừa ngắm cảnh, tự nhiên cực khổ mấy cũng thấy thỏa đáng.

Chúng tôi dùng bữa trưa cơm bản do anh Phú – chủ homestay chuẩn bị, tranh thủ chợp mắt nghỉ trưa một xíu rồi chạy xe máy xuống dưới bản. Có lẽ vì giao thông cũng như cơ sở hạ tầng chưa được phát triển nên Bản Phùng duyên dáng nép bên sườn núi vẫn giữ được nhiều nét hoang sơ của vùng sơn cước. Những mái nhà xám điểm xuyết giữa các tầng ruộng bậc thang đủ sắc màu, tạo nên bức tranh mùa màng ấm no, thanh bình và đầy phiêu diêu tự tại.
Vừa dựng xe ở đầu dốc, mấy đứa nhỏ trong bản đã kịp chạy ùa ra chào đón chúng tôi đầy háo hức, như thể việc này đã thành thông lệ. Theo chân mấy đứa trẻ, chúng tôi len lỏi vào những ruộng bậc thang. Chúng còn tận tình dẫn chúng tôi đến những nơi có view đẹp, nơi mà mọi người hay chụp hình. Dọc theo triền núi, lúa được người La Chí phân tầng trông thật đẹp mắt, chẳng khác gì những người thợ kiến trúc tài ba. Mùi hương lúa men theo gió núi len vào từng hơi thở, ngấm vào từng thớ thịt. Mùi lúa chín thấm vào lòng bàn tay, vươn qua từng kẽ tóc. Đang miên man trước phong cảnh thi vị nơi đây thì xấp nhỏ quay lại, tặng cho tôi 1 chiếc kèn được làm từ thân lúa.


Người ở Bản Phùng 100% là người La Chí, có nguồn gốc từ Trung Quốc, di cư sang đây và đã định cư đâu đó ngót nghét 800 năm nay. Phong tục tập quán của người La Chí vẫn còn được lưu truyền từ đời này sang đời khác, có thể kể đến một vài điểm đặc trưng như Lễ cầu mùa, Lễ khu cù tê (lễ uống rượu Tháng Bảy của người La Chí), tập tục nuôi cá chép trong ruộng lúa, … Do đặc điểm địa hình ở vùng núi cao thiếu đất canh tác, người La Chí đã chọn các vạt đất màu ở sườn núi tạo thành các tầng bậc, rồi dẫn nước từ khe núi về để canh tác lúa. Qua hàng trăm năm bền bỉ khai phá và vun đắp, ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì giờ đây đã trở thành di sản phi vật thể cấp quốc gia, là nhân chứng lịch sử của một nền văn hóa.


Ngày 3: Bản Phùng, Hoàng Su Phì – Lào Cai
Buổi sáng ở Bản Phùng, Hoàng Su Phì yên ắng đến khó tả. Trước hiên nhà mây đã chùng chình qua núi, tiếng gà gáy phá đi sự trầm mặc của miền sơn cước. Tôi vẫn còn nương tựa chút hơi ấm từ chăn nệm trong cơn ngái ngủ, nhưng tiếng cảm thán của những người bạn đồng hành về biển mây dưới làng đã thôi thúc tôi dậy.

Mây ở Bản Phùng không dày đặc như ở Mù Cang Chải hay Tà Xùa mà giăng mắc đầy chất thơ. Bản Phùng cũng không có thung lũng rộng như Mường Hoa của Sa Pa, mà ruộng bậc thang ở đây nằm cheo leo trên sườn dốc đứng – liên quan tới tập tính sinh hoạt của cư dân La Chí từ khoảng 800 năm trước.
Theo Hải Nhi (Báo Đại Đoàn Kết)

Cái không khí như thế này quả thật thích hợp cho những người ưa sống chậm. Sáng dậy sớm ngắm bình minh trên mây, ban ngày thong thả tản bộ xuống làng chơi với xấp nhỏ, hít thở, trò chuyện cùng người bản xứ, buổi tối nghe tiếng côn trùng kêu ri ri, chẳng có gì phải vướng bận.

Tôi khoác chiếc áo to sụ để giữ ấm cho cơ thể, rồi cùng Hiệu chạy xe xuống dưới bản, cơ bản là để gần những đám mây kia hơn một chút, và để tận hưởng bầu không khí trong veo ở bản. Thịnh và Đạt thì chọn ở lại homestay để nhâm nhi buổi sáng từ trên cao. Tiếng suối chảy róc rách. Chúng tôi quyết định chọn nhánh đường mới, ngược với nhánh đường chiều hôm trước mà chúng tôi đã đi, để khám phá xem có view nào xịn xò hơn nữa không. Mà thực ra nhánh đường này đã được một đoàn đi trước chỉ điểm, bảo rằng có một ruộng lúa mâm xôi đẹp lắm. Chúng tôi băng dọc theo những thửa ruộng, sương sớm mai đọng trên những nhánh lúa bám đầy cạp quần, cái lạnh xộc thẳng vào mũi, khoan khoái đến lạ. Trong không gian ngai ngái mùi khói bếp bốc lên từ những mái nhà xám xịt. Mọi người lục đục chuẩn bị bữa sáng và bắt đầu hoạt động của một ngày mới. Tụi nhỏ cũng í ới nhau cắp sách đến trường, quãng đường đi bộ đâu đó chừng 1km xuống trung tâm của bản.


Tôi cố mường tượng lại quãng đường của nhóm đi trước, đi tới đi lui thì cũng đã tìm được cho mình ruộng bậc thang đẹp đến rụng rời. Xa xa là view đồi với những tán thông chạy dọc sống lưng, trước mặt là những đám mây lững lờ trôi, tất cả điểm vào không gian vàng ươm của những hạt mầm chắc nịch đang chờ thu hoạch. Tôi vui sướng, hạnh phúc đến vỡ òa, coi như trọn vẹn mùa vàng ở Hoàng Su Phì.
Tạm biệt những thửa ruộng bậc thang ở Bản Phùng. Chúng tôi lên đường, tiến về phía Thành phố Lào Cai để tiếp tục hành trình tìm kiếm mùa vàng của đất trời Tây Bắc. Hẹn Hoàng Su Phì lần tới, sẽ ở lại lâu hơn, nhiều hơn để được trải nghiệm đời sống của người bản địa.