Với những đứa mê trekking như tôi, thì Everest Base Camp (EBC) là một cột mốc không thể nào bỏ qua trong cuộc đời. Hành trình chinh phục trại nền EBC của tôi diễn ra trong 17 ngày, từ 01.03.2019 – 17.03.2019, đầu mùa du lịch của nơi đây. Sau bài chia sẻ về việc “Chuẩn bị gì cho hành trình chinh phục Everest Base Camp” từ hơn 1 năm rưỡi trước, tôi lại tiếp tục viết lại mục du ký – kể lại những trải nghiệm của tôi trong hành trình này.
Lịch trình trekking cơ bản
- Ngày 1: Kathmandu (1.320m) – Lukla (2.804m) – Phakding (2.623m)
- Ngày 2: Phakding (2.623m) – Namche Bazar (3.440m)
- Ngày 3: Namche Bazar (3.440m) – Sargamatha National Park – Everest View Hotel (3.880m) – Namche Bazar (3.440m)
- Ngày 4: Namche Bazar (3.440m) – Tengboche (3.860m)
- Ngày 5: Tengboche (3.860m) – Dingboche (4.410m)
- Ngày 6: Dingboche
- Ngày 7: Dingboche (4.410m) – Lobuche (4.910m)
- Ngày 8: Lobuche (4.910m) – Everest Base Camp (5.364m) – Gorak Shep (5.140m)
- Ngày 9: Gorak Shep (5.140m) – Pheriche (4.240m)
- Ngày 10: Pheriche (4.240m) – Namche Bazar (3.440m)
- Ngày 11: Namche Bazar (3.440m) – Lukla (2.804m) – Kathmandu (1.320m)
Ngày 7: Dingboche (4.410m) – Lobuche (4.910m)
Quãng đường trek hôm nay khá dài, và rút kinh nghiệm từ những ngày trước, chúng tôi khởi hành khá sớm để tránh sương mù vào buổi chiều. 6h30, chúng tôi ăn sáng. Đúng 8h đã xong xuôi các thủ tục để rời khỏi Dingboche. Đoạn đường tầm 7km đến Dughla khá bằng phẳng, băng qua địa hình chủ yếu là các sườn đồi cát và đá. Xung quanh không một bóng cây, nắng chiếu thẳng vào đầu, gió rít từng cơn qua tai. Cái nóng lạnh Đi đâu đó chừng 30 phút, có một chị trong đoàn phát hiện ra để quên sạc dự phòng ở teahouse. Sau vài giây chần chừ thì tôi và Dil quyết định quay ngược đường về lại teahouse để lấy đồ, trong khi Bamba dẫn những người còn lại đi tiếp. Chúng tôi hẹn nhau sẽ gặp ở Dughla – điểm dừng chân ăn trưa.
Cả một đoạn đường dài mênh mông, xung quanh đều là núi tuyết đẹp đến choáng ngợp. Chỉ có tôi và Dil nên tốc độ di chuyển được đẩy nhanh hơn hẳn. Mặc dù được xem là thành viên trek tốt nhất đoàn nhưng so với Dil thì tôi chẳng thấm vào đâu cả. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện để quên bớt mệt mỏi. Có lẽ đây là lần duy nhất trong cả chuyến đi mà chúng tôi nói với nhau nhiều như vậy. Dil kể tôi nghe về việc cậu đã bắt đầu với nghề tourguide như thế nào, thành lập công ty ra sao và kể về những ngọn núi mà cậu đã chinh phục. Theo lời Dil, người Nepal chia thành nhiều dân tộc khác nhau, phân bổ theo độ cao. Một số dân tộc tiêu biểu như người Sherpa sẽ sống ở phía Bắc Himalayas – nơi tập trung những dãy núi cao, người Gurung sẽ sống ở khu vực đồi núi thấp hơn, người Newars tập trung chủ yếu ở thung lũng Kathmandu, và người Tarai ở khu vực đồng bằng. Dĩ nhiên vẫn còn rất nhiều dân tộc khác nhau ở Nepal (theo trang https://www.welcomenepal.com/ thì số dân tộc ở Nepal năm 2019 là 101 và nói 92 loại ngôn ngữ khác nhau), nhưng trong trí nhớ ngắn hạn của tôi thì chỉ nhớ được 4 nhóm chính. Mỗi nhóm sẽ có 1 đặc tính riêng, mà điều đó sẽ ảnh hưởng đến công việc của họ. Đơn cử là người Sherpa, rất giỏi leo núi, nên họ sẽ là những porter tuyệt vời cho các chuyến trekking của bạn. Còn Dil thuộc tộc người Gurung, là nhóm người dũng cảm, trung thành, khỏe mạnh và cực kỳ thiện chiến. Chính vì thế, người Gurung từ lâu đã được quân đội Anh tuyển chọn hằng năm để huấn luyện vào đội ngũ chiến binh Gurkha của họ (đọc thêm về chiến binh Gurkha tại đây).
Sau khi lấy được sạc dự phòng tại teahouse ở Dingboche, Dil mời tôi 1 ly trà gừng nóng để nạp năng lượng rồi tiếp tục lên đường để đuổi kịp các thành viên còn lại. Ở độ cao hơn 4.400m, lượng oxy khá là loãng, kèm với việc không đủ năng lượng từ bữa sáng, tôi phải liên tục lấy kitkat và những loại snack mà tôi có mang trong túi ra để ăn bù. Bên cạnh đó, tôi còn cứu tinh khác là multivitamin, pha loãng để trong chai giữ nhiệt cho nhiệt độ vừa đủ mát. Một kinh nghiệm nho nhỏ, trong quá trình trek ở những nơi khí hậu lạnh, hạn chế uống nước nóng vì sẽ khiến cổ họng mình nhanh khô hơn. Chỉ uống nước ấm khi dừng lại nghỉ ngơi hoặc khi cần sưởi ấm cơ thể. Uống nước nhiều lần, chia thành từng ngụm nhỏ, giữ lại ở cổ họng 1-2s trước khi nuốt xuống.
Đoạn đường ban đầu khá thoải mái đối với tôi. Chúng tôi đuổi kịp các thành viên còn lại trước khi đến Dughla. Qua đoạn đường bằng là đoạn đường sỏi và đá tảng. Có những lúc chúng tôi phải bước trên từng hòn đá, dò chân để chắc chắn điểm tựa, thậm chí dùng cả 2 tay để tránh bị té ngã. Đoạn đường này siêu đau lòng bàn chân và gối, đặc biệt là lúc đi xuống lòng sông để đến teahouse ở Dughla. Chúng tôi dừng chân, ăn trưa, nghỉ ngơi để lấy lại sức trước khi lặc lè leo dốc lên Dughla Pass.
Dughla là một ngôi làng nhỏ nằm ở độ cao 4.620m so với mực nước biển, thuộc địa phận Quận Solukhumbu trên dãy Himalaya, với phía Bắc là sông băng vĩnh cửu Khumbu. Chính ở độ cao này đã khiến Dughla trở thành một trong những khu có người dân sinh sống cao nhất thế giới (bên cạnh làng Korzok ở bên cạnh hồ Tsomoriri, Ladakh, India ở độ cao 4.595m – theo Wikipedia). Tuy nhiên hiện nay, khu vực này chỉ còn một vài teahouse hoạt động trong các mùa du lịch để phục vụ du khách trekking đường dài nghỉ ngơi tại đây.
Kết thúc bữa trưa, dĩ nhiên không thể nào tránh khỏi trải nghiệm lặc lè vác bụng no lên dốc. Tôi không vội, mặc dù tâm trạng khá hồ hởi vì thấy đoàn người nối đôi nhau lên dốc hình zigzag trước mặt, và Dil bảo rằng trên đỉnh dốc sẽ là nơi tưởng nhớ những người đã qua đời trong khi chinh phục đỉnh Everest huyền thoại. Từng bước chậm rãi lên dốc, chốc chốc lại ngoái nhìn phía sau cho đỡ ngán, sẵn tiện vẫy tay động viên mọi người bên dưới. Sau đâu đó chừng 45 phút, chúng tôi đã lên tới nơi.
“Mario I imagine you at the top of the world looking at the magnitude of this beauty very close to our hearts.”
Xung quanh là những cột đá tưởng niệm những người đã vĩnh viễn ngủ yên ở Himalayas trong quá trình chinh phục những ngọn núi vĩ đại của nhân loại. Có thể là của cha mẹ, của bạn bè, hoặc của những người cùng đam mê leo núi dựng lên. Mỗi cột đá đều có khắc những lời chúc phúc nguyện cầu đáng yêu như vậy.
Từ Dughla Pass, chúng tôi phóng tầm mắt ra 4 bề, thiên nhiên cực kỳ rộng lớn còn con người thì quá nhỏ bé. Chinh phục thiên nhiên ư? Không dám, chỉ là một chuyến “trở-về-nhà” của những tâm hồn yêu thiên nhiên mà thôi.
Tạm biệt khu tưởng niệm Everest, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với sông băng vĩnh cửu Khumbu. Vừa qua khỏi vách núi, trước mặt 4 bề đều là tuyết trắng, dày đặc. Tôi khá khổ sở vì kính râm của mình không phải là kính cận, không đeo thì lóa hết cả mắt mà đeo thì lại không phân biệt được mặt băng nào có thể đi được. Kết quả là phải đeo kính cận bên trong và tròng kính đen bên ngoài, thi thoảng phải dùng tay chỉnh lại kính để có thể vượt qua hết đoạn đường băng tuyết này. Đường khá trơn trượt, hoặc là đi ké lên vách, chỗ vẫn còn tuyết/ đất đá chứ chưa đóng thành băng, hoặc là ngồi xuống trượt bằng mông. Chúng tôi tiến đến lòng sông, đợi Dil và đoàn porter xác định được điểm chắc chắn để băng qua bên kia sông. Đoạn này ai cũng hồi hộp, phải dùng gậy trek để dò dẫm mặt băng phía trước có đủ cứng để bước lên hay không. Lỡ không may bể một phát thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, vì tôi vẫn nghe được tiếng nước chảy rền rĩ phía bên dưới lòng băng.
3PM, chúng tôi an toàn vượt qua sông băng Khumbu. Trek lên dốc một đoạn nữa, sau đó cỡ chừng 30 phút thì đã đặt chân được đến Lobuche. Nhiệt độ ngoài trời bây giờ đâu đó chừng -10 độ, lạnh thấu xương. Miếng dán giữ nhiệt ở bụng là cứu cánh thần kỳ cho cả chặng đường dài.
Chúng tôi dùng bữa tối ở teahouse. Sau đó nghe Dil dặn dò cho ngày trek ngày mai để chạm được Everest Base Camp. Chỉ còn 1 ngày nữa thôi là đạt được kết quả rồi. Ai nấy đều hăm hở mặc dù rất mệt. Thằng Bình đã mấy hôm liền phải ngủ ngồi vì hễ nằm là nghẹt mũi và không thở được. Chúng tôi kết thúc buổi tối sớm để nghỉ ngơi, sạc lại năng lượng trước khi bước vào ngày quan trọng nhất của cả hành trình.
Ngày 8: Lobuche (4.910m) – Everest Base Camp (5.364m) – Gorak Shep (5.140m)
Hôm nay chúng tôi lại tiếp tục kế hoạch dậy sớm để khởi hành sớm như hôm trước, vì phải đến được Gorakshep (~ 4.3km) trước bữa trưa thì mới có thể chinh phục được Everest Base Camp như dự kiến. Sau bữa sáng, chúng tôi hừng hực khí thế, men dọc theo sông băng Khumbu để tiến về Gorakshep. Khởi nguồn từ độ cao khoảng 7.600m, Khumbu được mệnh danh là sông băng lớn và cao nhất thế giới. Địa hình cũng khá giống chiều hôm trước, băng qua những con đường đá, và những đoạn sông băng nho nhỏ chảy ngang.
Cho đến khi bạn nhìn thấy một hố băng khổng lồ, thì bạn có thể vui mừng vì chừng 15 phút nữa thôi là đến Gorakshep rồi. Từ Gorakshep phóng thẳng tầm mắt về hướng Đông là dãy Nuptse trắng xóa với đỉnh cao nhất lên đến 7.861m.
Chúng tôi tranh thủ thời gian bếp chuẩn bị bữa ăn để ngả lưng một tí, sau đó nhanh chóng dùng bữa trưa và pack lại hành lý. Dil sẽ mang theo 1 bình chocolate nóng để mọi người làm ấm cơ thể ở EBC, cũng như là để ăn mừng chiến thắng. Chúng tôi mang theo gậy trek, máy ảnh, nước, một ít snack và cờ tổ quốc; những thứ không quan trọng đều để lại ở teahouse cho nhẹ người. Hành trình về đích bắt đầu.
Trời hôm nay trong vắt, không gợn một bóng mây. Chính vì thế mà nắng chiếu thẳng vào đầu, rọi thẳng vào mắt, nổ đom đóm. Không biết có phải vì nắng hay vì sốc độ cao mà hôm nay tôi đã thấy hơi đau đầu. Giữa trưa nắng vẫn lầm lũi bước đi, cái nóng hầm hập trên đầu vì đội nón, tháo ra thì lại nắng. Có lẽ đây là sự khó chịu nhất trong ngày trek đến EBC này. Đoạn đường hơn 3km cuối cùng chủ yếu men theo lối mòn dọc sườn núi, len lỏi vào từng bãi đá, dọc theo sông băng Khumbu. Một tay xuống lực vào gậy trek, một tay tì vào các mỏm đá, thi thoảng lại tự kéo chân mình lên để di chuyển về phía trước. Mặc dù trời nắng nhưng cái lạnh đầu mùa xuân kèm theo dư âm cuối đông khiến nhiệt độ ban ngày ở đây cũng phải -10 độ. Từng đầu ngón tay tê buốt, cầm nắm cái gì cũng thật khó khăn. Mục tiêu cuối cùng đang ở rất gần phía trước, tôi lần lượt chạm mặt những người ngược đường từ EBC về lại Gorakshep với những nụ cười mãn nguyện trên những đôi môi nứt nẻ, những lời động viên “You can do it” từ những gương mặt đỏ ửng vì nắng.
2:15PM, tôi và Toàn chính thức là 2 thành viên đầu tiên của đoàn chạm đích Everest Base Camp trong niềm hân hoan vui sướng không thể diễn tả thành lời. Tự nhiên bao nhiêu mệt mỏi tan biến, cũng không còn thấy lạnh nữa, chúng tôi cởi bỏ lớp áo phao to sụ để kiêu hãnh chụp cùng chiếc áo thun cờ đỏ sao vàng với điểm mốc EBC.
Là dân trek tự do thì bạn chỉ được phép đi đến viewpoint Everest Base Camp này thôi. Chứ trại nền thực sự còn cách đó chừng 1km, băng qua những tảng băng từ sông băng Khumbu nữa. Chỉ những người được cấp permit dạng expedition mới có thể đến trại nền mà thôi.
15 phút sau, các thành viên còn lại cũng lần lượt về đích. Chúng tôi ôm nhau mừng rỡ vì đã cố gắng hết mình để đạt được mục tiêu. Tôi ôm chấm lấy chị Yến, ôm lấy chị Duy vì những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự kiên cường không thể ngờ của 2 cô gái này. Chúng tôi tranh thủ chụp hình từng thành viên và hình nhóm vì không thể ở trên này quá lâu. Dil rót chocolate nóng mời mọi người dùng, cùng nhau nâng ly chúc mừng chiến tích.
Ngược đường về lại teahouse ở Gorakshep, một lần nữa những tia nắng chói chang lại chiếu thẳng vào mặt. Đầu bắt đầu đau nhức nhiều hơn, 2 mắt lóa đi vì nắng và vì băng tuyết. Thấy cơ thể có dấu hiệu đuối sức, tôi nhanh chóng về teahouse trước mọi người để nghỉ ngơi. Lần này tôi nằm mê man dưới phòng ăn, đợi cho tới giờ ăn tối vì quá mệt để có thể động tay động chân, đầu đau như búa bổ. Sau bữa tối, mọi người có ngồi lại để chơi boardgame và trò chuyện, còn tôi thì rút lui về phòng, chui vào túi ngủ làm một giấc cho quên đi cơn đau. Đêm nay, nhiệt độ sẽ xuống tới -17 độ.
Có 2 điều đáng tiếc nhất ở Gorakshep mà tôi đã không làm được. Thứ nhất, ngắm bầu trời đầy sao vào ban đêm. Với bầu trời trong không gợn chút mây như thế, Gorakshep là địa điểm lý tưởng cho hoạt động ngắm sao và săn mikly ways so với tất cả những teahouse còn lại trong lịch trình. Thứ hai, chinh phục đỉnh Kala Patthar (5.550m) vào sáng sớm hôm sau. Cụ thể về Kala Patthar tôi sẽ chia sẻ ở bài viết tiếp theo.
Phần 1: Chuẩn bị
Phần 2: Vé máy bay, visa du lịch và giấy phép trekking
Phần 3: Du ký Ngày 1 + Ngày 2
Phần 4: Du ký Ngày 3 + Ngày 4
Phần 5: Du ký Ngày 5 + Ngày 6