Tôi bắt đầu ngồi gõ bài viết này đúng chính xác sau 2 tuần kể từ ngày tạm biệt Ladakh để trở về với cuộc sống thường nhật ở Việt Nam (và mất 2 tuần tiếp theo để hoàn thành nó). 2 tuần, trọn vẹn 2 tuần tôi không thể làm được cái gì ra hồn, mặc cho deadline bủa vây nhưng biết sao được vì tâm trí tôi vẫn còn vắt vẻo đâu đó ở Ladakh. Sáng nay ngủ dậy, lượn lờ facebook lại xem ngay clip của một nhóm cũng vừa trở về từ Ladakh, bao thương nhớ lại ùa về, tôi quyết định vác máy ra café ngồi viết cho bằng hết 10 ngày rong ruổi tại đây.

Tôi chọn đến Ladakh vào một ngày đầu Tháng Chín, cũng là thời điểm được cho là thú vị nhất của vùng đất này, là thời khắc giao thoa của đất trời trước khi bắt đầu bước vào kỳ nghỉ đông dài hạn. Ngay từ trên không trung, khoảnh khắc máy bay hạ xuống những tầng mây để lộ ra phía dưới mặt đất là những dãy núi tuyết hùng vĩ trải dài vô tận; trái tim tôi đã loạn mấy nhịp. Vậy đấy, Ladakh chào đón những kẻ mộng mơ chúng tôi một cách không thể nào ngoạn mục hơn. Lúc nhận phòng ở Leh xong xuôi đâu vào đấy, tôi nằm dài, cắm loa phát bừa một bài của Lý. “Chết mẹ rồi, nhạc hợp không gian và tâm trạng quá anh ơi!”, đó là những gì tôi thốt lên với anh Mác. Ngẫm lại, chuyến đi này với tôi quả là một cái duyên lớn, nếu không muốn nói là một phép nhiệm màu. Chưa bao giờ tôi dám nghĩ mình có thể đặt chân đến được Ladakh trong năm nay, mặc dù lão Chiến đi về khen nức nở và bảo chi phí tiết kiệm hơn nhiều so với những gì tôi nghĩ. Ấy vậy mà giờ đây tôi đã ngồi đây lọc cọc gõ những dòng hoài niệm cũ mèm về Ladakh, về Himalayas, về rẻo đất xinh xẻo nhưng đầy linh thiêng ấy.
Toàn cảnh thị trấn Leh Đoạn đường từ Leh đi Nubra Valley
Julley, Ladakh!
Ở Ladakh, câu mà bạn nghe nhiều nhất chắc chắn phải là “Julley”. Julley có nghĩa là xin chào, tạm biệt, cảm ơn, xin lỗi, … tất tần tật trong một chữ. Tôi đến phục câu chữ ngữ nghĩa của các bạn ở đây. Khi gặp nhau, chẳng cần nói gì nhiều, chẳng cần phải biết nhau trước đó, điều đầu tiên mà họ sẽ làm là nở nụ cười thật tươi, nhìn đối phương và “Julley”; tự nhiên người ta trở thành bạn. Tôi vẫn nhớ cái chiều ở Nubra Valley, mấy đứa chúng tôi lôi nhau ra đường lang thang khắp làng, gặp ai cũng “Julley” xong cười toe toét. Giữa khí trời đặc quánh hơi lạnh, bên tai văng vẳng tiếng nhạc của chị đẹp Lana, bất giác thấy cuộc sống này quá đỗi yên bình. Giá mà ở dưới kia người ta cũng chịu cười khi nhìn nhau, chịu chào nhau một câu tử tế, thì cuộc sống đã nhẹ nhàng tươi đẹp hơn rất nhiều rồi.

– How do you feel about Ladakh?
– I really really love it. It’s like a dream come true.
– Exactly, Ladakh is everyone’s dream!
Đó là đoạn hội thoại ngắn cũn giữa tôi và một cô bạn người Ấn ở hồ Pangong. Chúng tôi bắt đầu cuộc hội thoại sau khi cả bọn đã thấm mệt vì những điệu nhảy Bollywood điên dại. Thề, nhạc Bollywood có tính gây nghiện thực sự. Nghe thì chẳng thể nào hiểu nổi lấy một từ, nhưng cái giai điệu giòn giã kia cứ đánh tung từng mạch máu trong cơ thể bạn, khiến bạn mất kiểm soát và lao vào nhảy theo điệu nhạc từ khi nào mà bạn cũng không hay không biết. Lúc cả đám đang hăng máu, tôi nghe giọng thằng Thịnh thều thào phía sau “Tao mệt quá. Bọn khỉ, thở còn không nổi giờ bắt nhảy” làm tôi muốn phá lên cười. Pangong đêm ấy lạnh tê tái, nhiệt độ phải chừng đâu đó 7-8 độ C, ở độ cao 4.350m thì điều bạn nên làm nhất là chẳng làm gì, ngoài việc thở, thở và thở. Ấy vậy mà cái thứ âm nhạc huyền bí của Bollywood đã khiến chúng tôi quẩy tưng bừng bên đống lửa trại. Đêm đó, chúng tôi kể nhau nghe nhiều thứ, về công việc, về sở thích, về tuổi trẻ, … về những câu chuyện không đầu không cuối.

Người ta vẫn thường bảo, save the best for the last, tôi cũng không ngoại lệ. Tsomoriri có lẽ là điểm tuyệt vời nhất trong cả hành trình, khi mà con đường đi cũng thật êm đềm, cảnh vật như một bức tranh thủy mặc; còn Tsomoriri thì sừng sững như một vị thần quyền năng. Buổi chiều vừa mới đến Tsomoriri, nhìn ra phía xa là một cảnh tượng thiên nhiên đẹp vô ngần. Những tia nắng đang chiếu vào đỉnh núi, nơi mà những bông tuyết bắt đầu rơi, ngày càng dày đặc. Để rồi sáng hôm sau thức dậy, từ cửa sổ phòng ngủ nhìn ra đỉnh núi đã được phủ một màu bàng bạc, cái màu của những bông tuyết đầu mùa, báo hiệu một mùa đông lạnh giá đang kéo về.
Một hình ảnh khác mà bạn rất dễ bắt gặp trên đường là những đoàn cừu, dê do những người du mục chăn thả. Những chú cừu trắng muốt, với cặp sừng bệ vệ uy nghi càng tôn lên vẻ đẹp hùng tráng của núi rừng. Bạn cũng có thể bắt gặp hàng chục con bò yak đen tuyền đang thủng thẳng nhai cỏ ở lưng chừng núi. Bạn cũng có thể há hốc mồm vì trước mắt bạn là những chú bạch mã, hắc mã đang tung vó giữa thảo nguyên rộng lớn, y hệt như tranh vẽ.

Ladakh là những sáng nghe Lý hát, trưa ngắm đất trời cỏ cây vạn vật, tối lành lạnh ngắm sao; à mà còn có cả những lần ăn táo ăn mơ ở vườn đến căng bụng. Ladakh đối với tôi, cứ ngỡ như mơ nhiều hơn thực. 10 ngày ở Ladakh, nếu không tính phần ăn uống có phần kham khổ một tí so với cuộc sống thường ngày, thì đây quả là cuộc sống trong mơ mà tôi luôn hằng ao ước. Ở đó, người ta tự chăn dắt, nuôi trồng, tự cung tự cấp. Chính cái thiếu một chút về vật chất đã khiến họ lấy cái giàu sang về tinh thần bù đắp lại, chính cái chật vật một chút trong cuộc sống hàng ngày đã khiến họ tỏa ra thứ năng lượng trong trẻo tích cực vô cùng tận.

Những chương về Ladakh, viết nữa hay không, sống nữa hay không tôi không biết. Chỉ biết là, những ngày xanh trong năm hai mươi tư ấy, tôi đã có những ngày được sống thanh thản không vướng bận bụi trần. Mà chắc có lẽ, tôi sẽ phải quay lại Ladakh một lần nữa, để lại được tắm mình trong cái thức không khí trong trẻo ấy, và được ngắm tuyết rơi, ít nhất là một lần trong đời.
JULLEY, LADAKH!
2 comments
Chuyến đi 10 ngày mà viết có 1 bài vậy. Tiếp đi chứ
Kaka để em ráng :))) bài này là viết sau chuyến đi đầu tiên nên có mood viết