Từ hồi xem series Our Planet trên Netflix, tôi bắt đầu thấy mê mẩn và tò mò muốn khám phá thế giới bí ẩn dưới lòng đại dương. Vốn dĩ mang tiếng dân Cam Ranh nhưng lại không biết bơi (thực chất là không biết đứng nước và không bơi được giỏi), bị gia đình cấm túc mỗi lần nghe đi sông đi biển đi hồ, auto cấm tiệt nên thành thử chưa bao giờ nghĩ một ngày nào đó mình sẽ quăng mình giữa biển khơi. Cho đến chuyến tiền trạm Coron hồi tháng 5 năm 2019, tôi mới đủ tiền và dũng khí thực hiện ca lặn bình khí đầu đời.
From birth, man carries the weight of gravity on his shoulders. He is bolted to earth. But man has only to sink beneath the surface and he is free.
Jacques Cousteau
Ca lặn bình khí đầu đời ở Coron
Việc này nằm ngoài kế hoạch trong 1 lần đi dẫn đoàn ở Coron, Philippines. Vì đây trip hoàn toàn mới do tôi xây dựng nên tôi được phép đi sớm hẳn 4 ngày để tiền trạm trước khi quay lại Manila để đón khách. Mọi việc cần kiểm tra, mọi đối tác cần gặp, mọi cung đường đều đã được tôi hoàn thành tỉ mẩn và sớm hơn dự định. Tôi lang thang ở trung tâm thị trấn Coron, hết đi dọc theo trục đường chính rồi lại len lỏi và các hẻm nhỏ, đập vào mắt mình là rất nhiều những tour lặn ngắm san hô và xác tàu đắm. Khá tò mò, tôi quyết định tìm hiểu một vài trung tâm lặn ở đây và được anh bạn bán vé tàu giới thiệu Reggae Dive Center. Biết kỹ năng bơi lội của mình còn hạn chế, nếu không muốn nói là con số 0, tôi đến trực tiếp để hỏi kỹ liệu tôi có thể tham gia 1 ca lặn ngắm xác tàu đắm ở đây hay không.
Và kết quả là, yah, miễn là tôi không hoảng sợ khi xuống nước, và có thể nổi trên mặt nước, là tôi có thể tham gia Discover Scuba Diving (lặn khám phá) được rồi. Tôi được một cô huấn luyện viên lấy số đo chân, thử kích thước wetsuit và đo độ cận để chuẩn bị kính lặn cho phù hợp và ra về; hẹn sáng ngày mai có mặt ở trung tâm để trung chuyển ra bến thuyền.

Buổi lặn bình khí diễn ra 2 ca, ở 2 địa điểm khác nhau. Tôi được xếp chung thuyền với những người bạn đang tham gia khóa học Open Water Course. Ca lặn thứ nhất tiêu tốn đâu đó cỡ 35 phút, bắt đầu bằng việc training các kỹ năng cơ bản như sử dụng ống thở như thế nào, xử lý ra sao khi nước vào kính/ ống thở, bơm BCD để nổi và xả khí ra để chìm, … Sau đó chúng tôi tiến vào vùng nước sâu hơn và lặn cùng huấn luyện viên. Lần đầu tiên trong cuộc đời được thấy những rặng san hô mềm uyển chuyển đầy màu sắc, những đàn cá sặc sỡ bơi lượn từng đàn, đẹp đến choáng ngợp.
Ca lặn thứ hai cũng đâu đó chừng 36 phút, ở độ sâu đến 12m để đi vào thân của một xác tàu bị đắm thời Chiến tranh thế giới thứ II. Tôi vận dụng hết những gì vừa được học, giữ đều hơi thở để không phải chạm vào các hiện vật dưới lòng đại dương. Cảm giác hồi hộp, sợ hãi, đi kèm phấn khích khi chìm dần xuống làn nước xanh, men theo thành tàu rồi chui hẳn vào boong tàu. Rất tiếc là lần lặn này không có mang theo thiết bị gì để ghi hình và quay phim cả nên không thể minh họa sống động cho mọi người được.

Học lặn bình khí ở Nha Trang
Rời Coron, trở về với Việt Nam, đầu óc tôi cứ miên man mãi trong làn nước xanh với những đàn cá tung tăng bơi lội. Cả một thế giới huyền bí, mình nhất định phải đi học lấy bằng để có thể lặn tốt hơn và sâu hơn mới được.
Tháng 5/ 2020, tôi rù quến được mọi người ở Bucketravel và những người anh chị mới, lập thành 1 team đi học khóa học lặn bình khí level Open Water Course ở Nha Trang của Viet Divers. Khoá học diễn ra trong vòng 3 ngày ở Nha Trang. Ngày 1 học lý thuyết và thực hành ở hồ bơi; ngày 2 và ngày 3 sẽ được thực hành các kỹ năng ở trên biển với 2 ca lặn/ ngày, từ vùng nước nông ra vùng nước sâu hơn. Ở level Open Water Course, tuỳ vào khả năng của học viên và điều kiện thời tiết mà bạn có thể lặn tối đa là 18m. Và đây cũng là độ sâu tối đa mà bạn có thể lặn sau khi được cấp bằng.
Ngày 1: Học lặn bình khí ở hồ bơi
Tôi hồ hởi thức dậy thật sớm, cùng mọi người đi ngắm bình minh ở biển Trần Phú để nạp chút năng lượng trước khi bắt đầu khoá học.

Sau khi kết thúc bữa sáng bằng 1 tô bún riêu cua to sụ, chúng tôi di chuyển qua khu vực hồ bơi để bắt đầu buổi học thực hành đầu tiên. Huấn luyện viên của nhóm tôi là Lập, được giới thiệu là một trong những người lấy bằng Instructor nhỏ tuổi nhất Việt Nam.
Rồi, anh chị nhảy xuống hồ bơi bơi đủ 200m đi rồi mới được học lặn!
Thầy Lập nhìn chúng tôi và nói.
Tôi như chết lặng =))) Phần mà tôi ngán nhất và tự ti nhất là khúc này. Cứ nghĩ câu thần chú “người quen chị Ngọc Anh” (chị Ngọc Anh là founder của Viet Divers) sẽ giúp tôi bỏ qua bài test này. Là tôi nghĩ vậy thôi, chứ nếu chị Ngọc Anh có dạy chắc cũng bắt tôi phải chứng tỏ được mình không hoảng sợ khi xuống nước. Okie, đời đưa thì mình phải đẩy thôi. Tôi hít thở một hơi thật sâu để lấy bình tĩnh, và lấy đà nhảy xuống nước (cố tính để nhảy xa được chút nào hay chút đấy) và ra sức quạt. Tôi quạt mãi quạt mãi, cố gắng vận dụng hết những gì đã được Hiệu chỉ để ngoi ngóp lấy hơi. Mặc dù tôi biết trông tôi lúc đó chẳng khác gì đứa chết trôi đang ú ớ giữa làn nước. Đến khi đuối sức (vì bơi sai kỹ thuật mà), nghĩ chắc cũng được nửa hồ rồi, tôi dừng lại bám hồ bơi (tôi xin bơi ngay làn sát bờ hồ) thì hỡi ôi mới được chưa tới 1/4 hồ, tức là chưa tới 25m đó mọi người ơi. Mất mặt, lấy hơi bơi tiếp thôi chớ sao giờ. Cho đến khi quá đuối, tôi tính bỏ cuộc thì thầy bảo, anh có thể bơi đủ kiểu đủ cách, miễn sao qua tới bên kia bờ hồ là được. Thế là chợt nhớ ra mình nổi được, tôi thả lỏng, nằm ngửa, xoay người lại rồi đạp chân để bơi về bên kia, hoàn thành thử thách để chính thức được bước chân và con đường học lặn bình khí.

Thầy Lập giới thiệu các thiết bị, nguyên lý hoạt động, cách sử dụng và kiểm tra trước khi xuống hồ bơi. Sau đó chúng tôi được xuống nước, lần lượt thực hành các kỹ năng cơ bản như: mặc BCD dưới nước, cách tìm ống thở khi bị rơi ra, cách đẩy nước ra khỏi miệng ống thở và kính lặn, cách chìm và nổi, kiểm soát cơ thể dưới nước, cứu bạn lặn, … Buổi học diễn ra khá vui vẻ và nhiều năng lượng.

Buổi chiều, chúng tôi học lý thuyết ở 1 quán cafe xanh mướt nhưng hơi xa trung tâm thành phố 1 tẹo. Phần lý thuyết có vẻ hơi khô khan 1 xíu, nhưng là những kiến thức nền cho những ai nghiêm túc theo đuổi bộ môn lặn bình khí này. Chúng tôi học cách tính áp suất theo độ sâu, biết được màu sắc sẽ thay đổi như thế nào khi lặn càng sâu xuống đại dương, và quan trọng là thời lượng dừng lại và dừng lại ở điểm nào trong quá trình nổi lên trên mặt nước. Những kiến thức này nếu xem nhẹ hoặc bỏ qua, có thể bạn sẽ gặp chấn thương trong khi lặn bình khí như ù tai, thủng màng nhĩ, thậm chí tổn thương phổi và vĩnh viễn không thể nào được lặn bình khí nữa đó.
Ngày 2: Thực hành lặn bình khí ở biển
Viet Divers đưa xe trung chuyển đến đón học viên ở rải rác một vài khách sạn trung tâm thành phố, sau đó di chuyển thẳng đến bến cảng, nơi tàu đã đợi sẵn và bình khí đã được chất đầy. Chúng tôi hăm hở ra khơi và háo hức đón chờ ca lặn thực tế đầu tiên của mình.

Điểm lặn đầu tiên ở Hòn Tre. Thuyền di chuyển gần tới, HLV gọi chúng tôi ra sau thuyền để brief lại 1 lần nữa các kỹ thuật mà chúng tôi sẽ luyện tập trong ca lặn này, đưa các vật dụng cần thiết, trong đó có dây chì phù hợp với cân nặng và khả năng của mỗi người. Chúng tôi lần lượt nhảy xuống biển theo 2 cách: nhảy ngửa người hoặc trực diện xuống biển và ra hiệu an toàn. Tiếng ống thở xì xèo bên tai nghe thật kích thích. Theo hướng dẫn của HLV, chúng tôi bắt đầu xả khí ở BCD để chìm xuống nước ở độ sâu 5m và bắt đầu các bài tập. Tôi căng não tập trung điều khiển hơi thở để giữ mình không bị nổi lên và đợi tới lượt mình thực hiện các thao tác mà HLV đã thị phạm. Ca lặn kết thúc trong vòng 50 phút.

Quan sát trước khi xả áo BCD chìm xuống biển Kiểm tra dung tích bình khí


Điểm lặn thứ hai ở Hòn Một, tiếp tục những kỹ năng nâng cao hơn một chút như cách mặc BCD ở dưới nước khi bị rơi ra, … Vì ca lặn đầu tôi còn khá chật vật trong việc giữ mình chìm trong nước nên ca này tôi được “tặng thêm” 0.5kg chì. Tâm trạng cũng thoải mái hơn, chúng tôi từ từ chìm vào làn nước, chạm đáy ở độ sâu 7m. Với các ca lặn để tập luyện các kỹ năng như thế này, chúng tôi đều lặn ở nơi có các bãi cát mịn để không chạm phải san hô. Ca lặn thứ 2 kéo dài trong 45 phút. Chúng tôi lên tàu, tắm lại nước ngọt và dùng bữa trưa.

Hôm nay là sinh nhật của Bình nên các anh chị trong Viet Divers đã chu đáo chuẩn bị hẳn 1 dải băng ghi dòng chữ HAPPY BIRTHDAY treo trên mạn thuyền.

Điều ám ảnh nhất trong ngày lặn hôm nay là SAY TÀU. Ở dưới nước thì không sao chứ hễ lên tàu là xây xẩm mặt mày. Tàu lắc lư khi dừng lại để mọi người dùng bữa trưa, cũng là lúc tôi phải gồng mình để nghĩ cách tránh say tàu. Chứng say tàu xe này chỉ mới xuất hiện cách đây đâu đó chừng 2 năm về trước. Có lẽ là vấn đề tiền đình. Tôi nhanh chóng kết thúc bữa trưa và tìm chỗ nằm yên, nhắm mắt lại, cố gắng ngủ để quên đi cơn say tàu.
Ngày 3: Lặn bình khí ngắm san hô dưới đáy biển
Hôm nay chúng tôi sẽ luyện tập thêm 1 số kỹ năng nâng cao, có phối hợp với đồng đội như cách chia sẻ bình khí với bạn lặn, giải cứu bạn lặn, … và sau đó sẽ dạo ngắm san hô dưới đáy biển. Tuy nhiên, trước khi chia nhóm bắt đầu, chúng tôi mang theo dải băng HAPPY BIRTHDAY xuống dưới biển, dự định sẽ làm 1 bộ ảnh chụp chúc mừng sinh nhật Bình. Nhưng vì biển hôm nay hơi đục và kỹ năng cân bằng của các thành viên không giống nhau, nên việc 10 con người quẩy mù đáy biển đã khiến buổi chụp hình kết thúc nhanh chóng.

Ca lặn thứ ba diễn ra ở Mama Hạnh ở độ sâu 10m. Chúng tôi chia thành 2 cặp để thực hiện các bài tập. Tôi và Chị Bu xuống trước, cố gắng giữ nhau đứng yên dưới đáy biển chứ không phải trồi lên trên mặt nước nữa. Ca lặn này cũng kết thúc nhanh chóng vì bình khí và thời gian đã sử dụng kha khá cho lúc chụp hình rồi.

Ca lặn thứ tư, ca lặn trông chờ nhất ở Lobster với độ sâu 15m. Ca lặn này chúng tôi chỉ việc cố gắng giữ cân bằng, bơi theo HLV để ngắm cảnh dưới đại dương. Trong suốt 40 phút đó, chúng tôi say sưa ngắm cảnh, mải mê theo 1 đàn cá tung tăng, hay có những lúc chăm chăm vào mấy rặng san hô mềm đầy mời gọi.
Ca lặn thứ tư kết thúc, vẫn là màn say tàu quen thuộc. Và tôi đã để lại “chút thức ăn” dưới đại dương.
Thi lấy bằng lặn bình khí
Thông qua 4 ca lặn, HLV sẽ đánh giá phần thực hành của bạn. Ngoài ra, tôi còn trải qua 1 bài thi lý thuyết bằng tiếng Anh (có cả bảng tiếng Việt), nhưng đề mở nên cũng không phải vấn đề quá khó khăn. Và thế là tada, tôi đã chính thức được cấp bằng Open Water Course – chìa khóa mở cửa vào lòng đại dương rồi.

Lời kết
Hãy mạnh dạn đăng ký 1 khóa học lặn bình khí nếu bạn say mê thế giới dưới lòng nước. Tin tôi đi, cảm giác từ trên cạn nhảy vào lòng nước sẽ mở ra một thế giới quan hoàn toàn khác biệt. Mọi tiếng ồn xung quanh trở nên ù ù rồi im bặt, chỉ còn lại hơi thở qua bình khí, lần đầu tiên trong cuộc đời bạn nghe mình thở rõ đến vậy, và cảm thấy quý hơi thở đến vậy. Tôi bị nghiện cái âm thanh xì xèo của ống thở, nó kích thích toàn bộ adrenaline trong từng tế bào, chạy rần rần trong từng thớ thịt. Nếu không xuống đại dương, bạn đã bỏ lỡ 70% kỳ quan của thế giới này rồi!
Trải nghiệm lặn thử bình khí tại hồ bơi Sài Gòn, đăng ký tại đây: https://bit.ly/TryDiveSG
Liên hệ học lặn: Viet Divers