Đêm cuối ở Kargil, chúng tôi nói lời tạm biệt Zanskar. Cả chiều tối thơ thẩn ở Kargil, vẫn là thị trấn im lìm, thi thoảng có tiếng chuông ngân từ thánh đường Hồi giáo báo hiệu tới giờ hành lễ. Nằm gác tay lên trán mà nhớ lại 5 ngày ngắn ngủi ở Zanskar, vừa tự hào nhưng cũng đầy tiếc nuối.
Sáng hôm nay chúng tôi sẽ đi đến Srinagar để bay về Delhi và quay về Việt Nam. Từ Kargil đến Srinagar, chúng tôi thuê 1 taxi (?) riêng để chở 2 đứa và hành lý về cho tiện. Nói là taxi, nhưng thực chất giống tuk tuk hơn. Tôi không biết phải dùng từ gì cho chính xác. Đại thể là xe có 2 băng ghế, phía sau chúng tôi để hành lý, phía trước ngồi, có cả cửa 2 bên. Giống như kiểu một loại xe phối hợp của taxi, rickshaw và tuk tuk (mệt với cái não cá vàng này, đi cả năm rồi giờ không thể nào miêu tả chính xác được chiếc xe). Nói chung là không quá tiện nghi nhưng cũng tạm ổn, nhất là sau mấy ngày ngồi ê ẩm trên xe máy thì con xe này là một dạng đặc ân. Chặng đường dài 200km, ngốn đâu đó tầm 5 giờ 30 phút chạy xe và 1 giờ 30 phút la cà thăm thú các địa điểm và chụp hình.

08h00, xe đưa chúng tôi ra cao tốc nối liền Srinagar – Ladakh, chạy dọc theo con sông Dras. Sông Dras dài 86 km, khởi nguồn từ sông băng Machoi gần đèo Zojila, cửa ngõ vào Ladakh. Con sông này khá đặc biệt vì dòng chảy của nó đánh vòng từ Pakistan vào India rồi lại quay về Pakistan. Hợp lưu với sông Shingo (chảy từ Pakistan) tại Kakshar, làm tăng gấp đôi dòng chảy, tiếp tục kết với hợp sông Suru tại Khrool và chảy về lại Pakistan. Sông Dras cũng tạo nên một thung lũng Dras trù phú, với những mảng cỏ xanh bất tận vào mùa hè. Tuy nhiên, đây là khu vực có sự sống lạnh thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Siberia, với nhiệt độ có thể giảm xuống tới -45 độ, thậm chí real feel có thể thấp hơn dưới tác động của gió.

Chúng tôi ghé thăm Khu tưởng niệm chiến tranh Kargil (Kargil War Memorial). Để vào khu tưởng niệm, bạn phải nộp lại toàn bộ các thiết bị điện tử, đặc biệt là điện thoại. Bạn chỉ được phép mang máy ảnh vào trong với điều kiện phải trả phí để được chụp hình. Có lẽ nơi đây đang là vùng chiến sự nhạy cảm giữa Pakistan và India nên mới có những quy định như vậy. Ngay cả di chuyển trên đường, tôi cũng thấy có rất nhiều chốt quân sự và những toán lính có vũ trang đi tuần. Khuôn viên khu tưởng niệm cũng không quá rộng. Đây là nơi tưởng nhớ những người lính India đã hi sinh trong cuộc chiến tranh chấp giữa 2 nước, với hàng dài những bia mộ, thẻ lính và một bảng danh dự ở phía sau. Phía ngoài khuôn viên còn là nơi trưng bày sức mạnh quân sự của India với các khẩu súng, đại bác, …



Tiếp tục hành trình băng qua những cung đường ngoằn ngèo, bắt đầu xuất hiện băng tuyết 2 bên. Thì ra chúng tôi đã đến đỉnh đèo Zoji La, 1 trong 10 đỉnh đèo thách thức và nguy hiểm bậc nhất ở India. Nằm ở độ cao 3.528m so với mực nước biển, Zoji La là cái tên khiến bao nhiêu tài xế phải khiếp sợ. Những đoạn đường đá ghồ ghề, những đoạn đường hẹp chỉ đủ chỗ cho 1 chiếc xe tải, tất cả đều không có vách chắn, liền kề bên cạnh là vực thẳm. Ngồi sau xe mà ký ức mấy ngày chạy xe ở Zanskar ùa về khiến chúng tôi không khỏi ớn lạnh. Chỉ hi vọng dự án xây hầm Zoji La mau chóng sớm hoàn thành để giảm thiểu rủi ro cho mọi người khi đi qua đèo và giúp rút ngắn thời gian di chuyển (từ 3 giờ xuống còn chỉ hơn 15 phút).
Tới đỉnh đèo, chúng tôi tranh thủ xuống tận hưởng chút khí lạnh trước khi xuống vùng thấp ở Srinagar. Vì đi vào đầu mùa tháng 5 nên trên đỉnh đèo băng tuyết vẫn còn dày đặc. Thậm chí ở đây còn có cả dịch vụ trượt tuyết, không khác gì Hàn Quốc/ Nhật Bản.

Tạm biệt Zoji La, con đường cũng nhẹ nhàng hơn 1 chút. Trời bắt đầu đổ mưa, cảnh vật 2 bên nhoè dần. Chúng tôi nửa tỉnh nửa mê, trong cơn ngái ngủ, đâu đó ngoài cửa xe những cánh rừng lá kim xanh rì thoắt ẩn thoắt hiện. Nếu trời không mưa, hoặc giả dụ đây là một trưa mùa hè tháng 7, chắc chắn chúng tôi sẽ phấn khích tột độ vì vẻ đẹp của thiên nhiên. Tấm hình bên dưới là của bạn tôi chụp trong 1 chuyến tháng 7.


15h00, chúng tôi đến bến xe Srinagar. Bủa vây xung quanh tôi là toán tài xế tuk tuk. Đủ thể loại mời chào từ dịch vụ trung chuyển tới chỗ ở giá rẻ. Tôi như bị sốc toàn tập, như kiểu vừa từ thiên đường rớt xuống mặt đất, từ nơi mà ai cũng đều nhẹ nhàng từ tốn rớt xuống nơi mà mọi thứ dường như quá ồn ào vội vã. Lấy hết hành lý trong xe, kiểm tra mọi thứ chắc chắn không còn gì sót lại, cầm chắc điện thoại, tôi cố lắc đầu chen chúc bước ra khỏi vòng vây của cánh tài xế. Trước khi rời Kargil, tận dụng chút internet yếu ớt mà tôi nhờ anh lễ tân chia sẻ, tôi lên search nhanh một số khách sạn ở Srinagar và đi đến quyết định cuối cùng sẽ ở nhà thuyền (houseboat) trên hồ Dal. Và vẫn là chưa biết sẽ ở houseboat nào. Bản đồ offline maps.me của tôi có hiển thị một vài houseboat với điểm đánh giá tốt. Trước mắt phải chuồn ra khỏi bến xe đã. Tôi chốt nhanh 1 houseboat hơn 4 chấm trên bản đồ, lấy tên và hỏi một bác tài trông vẻ hiền nhất ở đấy. Deal, chúng tôi vọt lên xe, cắt đuôi sự ồn ào.
Truyền thống độc đáo sống trên nhà thuyền khởi nguồn từ những cư dân Anh quốc đầu tiên ở Kashmir. Vì người cai quản Kashmir thời bấy giờ không cho phép người ngoại quốc sở hữu đất đai tại đây, người Anh đã nảy ra ý tưởng xây dựng nhà ở trên mặt nước. Sau một thời gian, những chiếc thuyền nhà phát triển từ những ngôi nhà nổi nhỏ bé đến những lâu đài nổi sang trọng. Những nhà thuyền được xây dựng bằng tay nhưng có thể được trang bị đầy đủ tất cả các tiện nghi của khách sạn 5 sao, là một trong những điểm thu hút độc đáo của Kashmir.


Chiếc tuk tuk trờ tới bờ hồ Dal. Chúng tôi quyết định xuống đi bộ, vì bác tài cũng chẳng thể nào chở đến chính xác houseboat được. Và, lại là một đám xô bồ khác, nhưng lần này có vẻ đỡ hơn nhiều. Chúng tôi mặc kệ các lời mời chào và cứ rảo bước dọc bờ hồ, men theo định vị trên bản đồ để tới mạn thuyền gần nhất. Tiếp tục là một màn deal giá khác, chúng tôi lên thuyền và hướng về căn houseboat mà mình chắc mẩm sẽ ở. Kết quả, căn houseboat đó không còn tồn tại, có vẻ là đã đổi chủ và vị trí hiện tại là một căn houseboat cũ kĩ hơn trên hình rất nhiều. Tôi nhờ bác lái thuyền chèo tiếp một đoạn, và nhờ bác gợi ý căn nào thấy ổn. Căn thứ 2, vẫn không vừa ý. Đang loay hoay giữa hồ, tôi nhìn đằng xa có 1 căn houseboat treo cờ Đức, lại có khu vườn xanh mướt bên cạnh, kèm cái cổng trồng bằng hoa hồng xinh xắn. Linh tính mách bảo, đây sẽ là nơi phù hợp. Chúng tôi cập thuyền vào, bước lên xem thì “Yay, chính nó!”. Mọi thứ đều hoàn hảo, chỉ mỗi tội giá căn căn này hơi chát một chút so với các căn còn lại: 5.000 INR/ đêm thay vì 500 – 800 INR/ đêm. Có lẽ nhìn 2 đứa xơ xác và tiều tuỵ, hoặc cũng có thể là đầu mùa du lịch, bác chủ nhà cười và giảm xuống còn 3.000 INR/ đêm, vị chi đâu đó cỡ 1.000.000 VNĐ. Tôi nhìn thằng Bình, chốt! Cực khổ mấy nay rồi, coi như là phần thưởng cho thoải mái trước khi về nước.

Căn houseboat chúng tôi ở tên là Prince of Vale (Hoàng tử xứ Vale), nằm giữa vẻ đẹp của thiên nhiên với view trước mặt là những đỉnh núi phủ tuyết của dãy núi Pir Panjal. Mãi đến sau này, tôi mới biết, đây là một trong những nơi cư trú sang trọng nhất và cũng được xếp hạng cao nhất ở Kashmir, với chiều dài khoảng 45m và rộng khoảng 6.4m. Toàn bộ căn houseboat bao gồm 5 phòng ngủ đôi rộng rãi – tất cả các phòng đều có điện, TV với kết nối cáp và phòng tắm hiện đại với bồn tắm và áp lực nước theo tiêu chuẩn Đức. Nội thất gỗ tuyết tùng được chạm khắc tinh xảo và thể hiện nghệ thuật hoàn hảo của những người thợ thủ công Kashmir. Đồ nội thất bao gồm thảm và vải do chính người bản địa thêu, phản ánh nghệ thuật địa phương đặc sắc. Bên cạnh nhà thuyền còn là 1 vườn hoa xinh xắn, với bộ bàn ghế đã được sắp xếp sẵn để bạn có thể ngồi thưởng thức trà chiều và chìm đắm trong không khí trong lành của thiên nhiên; hoặc là địa điểm làm tiệc nướng ngoài trời lý tưởng.


Quả là một phần thưởng xứng đáng. Chúng tôi tắm rửa xong đâu vào đấy, lại tranh thủ ngồi hóng mát ở ngoài vườn. Điều tuyệt vời nhất là ở đây có wifi ổn định. Sau cả tuần liền kết nối chập chờn, thậm chí 5 ngày liên tục không có một chút kết nối nào với thế giới bên ngoài, cả 2 đứa ngập đầu với mớ noti từ các trang mạng xã hội. Chị tôi cuống cuồng gọi cả thế giới. Không biết đào đâu ra facebook của người chị đi cùng ở Ladakh, gọi điện hỏi thăm các kiểu. Cứ thế cắm cúi vào mà xử lý từng tin nhắn, từng cái email một. Cho đến khi Ashraf, anh chàng quản gia của Prince of Vale xuất hiện và mời chúng tôi vào dùng bữa tối.

Có lẽ, đây là bữa tối ngon nhất và tôi thích nhất trong xuyên suốt hành trình khám phá Zanskar. Đáng lẽ tôi đã đặt dấu chấm hết cho series Zanskar với 3 bài viết trước, nhưng vì nhớ bữa tối này, nhớ Prince of Vale mà tôi mới quyết định viết tiếp. Prince of Vale được điều hành bởi một gia đình người Đức gốc Ấn. Ông Saleem Tunda, thế hệ thứ ba, sau gần 30 năm sinh sống ở Đức, đã mang những công nghệ và ý tưởng thú vị nhất để xây dựng nên Prince of Vale, khiến cho nó trở nên độc đáo bậc nhất ở Srinagar. Hiện tại, Prince of Vale được điều hành bởi cô con gái của ông, bà Nelofer. Theo tôi nhớ không nhầm thì bà hiện đã có 2 đứa con kháu khỉnh, một trong số đó là thằng bé trai vô cùng lanh lợi. Tôi nhớ nó vì chúng tôi đã ngồi chơi game lật hình đấu trí nhớ cùng nhau, và tôi thua thằng bé ấy ra mặt. Chúng tôi được thết đãi như những vị khách quý, được ăn trong chén bát bằng vàng, và dĩ nhiên, chúng tôi dùng tay để ăn như đáp lại tấm thịnh tình ấy.
– Do you wanna go around the lake?
Ashraf
– Yes, I do. How much is it?
– No. It’s free, my friends.

Sau bữa tối, anh chàng quản gia Ashraf đề nghị chèo thuyền đưa chúng tôi tham quan 1 vòng hồ, đặc biệt khu chợ nổi. Chúng tôi mua ít đồ, và mừng rơn khi cuối cùng cũng mua được một chai nước có ga, là một chai Sting dâu (mãi vẫn chưa uống được lon Coca nào). Về nhà, Ashraf rít điếu thuốc, rồi chỉ chúng tôi những ánh đèn mập mờ xa xa trên các ngọn đồi. Hắn bảo, đó là đèn quân sự. Bên này của India, bên kia của Pakistan.
I don’t like India either Pakistan. We don’t need them. Kashmir is an independent area.
Ashraf
Có lẽ, tâm tư này được Ashraf đè nén trong lòng cũng đã lâu. Từng câu chữ nhả ra chậm rãi, theo làn khói mỏng tan vào không trung. Đây chắc chắn không phải những lời nói suông. Với vốn kiến thức xã hội mỏng manh của mình, còn lâu tôi mới thấu hết nỗi lòng của một cư dân Kashmir như Ashraf.
Chúng tôi đánh một giấc ngon lành ở Prince of Vale. Buổi sáng thức dậy, mọi thứ thật trong veo. Những đám sương mỏng là là trên mặt hồ, rồi từ từ biến mất khi ông mặt trời ló dạng. Ashraf đã chuẩn bị sẵn đồ ăn sáng ngoài phòng khách. Bàn ghế, chén dĩa ở đây, cái không gian này khiến chúng tôi cứ nghĩ mình chẳng khác nào gia tộc hoàng gia.

Ở hồ Dal, có một hoạt động mà bạn sẽ muốn bỏ tiền ra để thử, đó là ngồi thuyền quanh hồ. Với 500 INR/ thuyền, bạn sẽ được chở đi dạo đâu đó chừng 2 tiếng để nhìn ngắm đời sống sinh hoạt của chợ nổi, của những căn shophouse trên sông. Chỉ là có chút phiền hà, khi tôi đơn thuần chỉ muốn nằm dài ra thuyền ngắm cảnh, thì chủ thuyền lại liên tục mời tôi ghé lại các shophouse để tham quan (và mua sắm).

Chúng tôi nói lời tạm biệt cuối cùng tới bác Saleem Tunda, chào anh chàng Ashraf, không quên xin WhatsApp của nhau để giữ liên lạc khi về nước; và lên taxi tới sân bay Srinagar. Trên đường ra sân bay, cứ mỗi 5-10m, 2 bên đường lại có 1 người lính được vũ trang đứng canh, cả một chặng đường dài. Sân bay Srinagar cũng được canh gác nghiêm ngặt, với 4 lớp an ninh.
– Lớp thứ nhất – từ ngoài đường khi xe vừa rẽ vào cổng sân bay. Toàn bộ hành khách phải đi xuống xe, lấy hành lý scan một lượt, sau đó lên xe di chuyển tiếp vào bên trong.
– Lớp thứ 2 – cửa vào sân bay. Lại tiếp tục quét hành lý. Tuỳ thuộc vào việc bạn bay hãng nào, thì phải vào đúng cổng của hãng đó. Vì bên cạnh nhân viên an ninh sân bay là nhân viên đại diện của hãng xác nhận code vé của bạn chính xác thì mới được vào.
– Lớp thứ 3 – sau khi làm thủ tục checkin. Khi đã ký gửi hành lý với hãng, bạn mang hành lý xách tay tiến tới khu vực kiểm tra bằng tay. Mở hết hành lý xách tay để nhân viên an ninh kiểm tra, dán nhãn rồi mới vào khu vực an ninh máy quét.
– Lớp thứ 4 – trước khi lên máy bay. Ngay tại boarding gate, hành lý xách tay của bạn lại được kiểm tra 1 lần nữa bởi chính nhân viên của hãng hàng không.
Tạm biệt Srinagar, chúng tôi về với Delhi, rồi về lại Việt Nam, chính thức kết thúc gần 3 tuần rong ruổi Bắc Ấn. Lòng thầm cảm ơn những con người đã gặp trên đường, cảm ơn người bạn đồng hành luôn hết mình và đã chịu cực chịu khổ để đưa mình về đến nơi an toàn, cảm ơn những người anh người chị người bạn đã động viên và ủng hộ. Và Srinagar ơi, tôi vẫn mong chờ một mùa hè tháng 7, hay một chớm đầu đông để được quay trở lại với bạn.