Với những đứa mê trekking như mình, thì Everest Base Camp (EBC) là một cột mốc không thể nào bỏ qua trong cuộc đời. Hành trình chinh phục trại nền EBC của mình diễn ra trong 17 ngày, từ 01.03.2019 – 17.03.2019, đầu mùa du lịch của nơi đây. Sau hơn nửa năm, mình mới chịu ngồi ngẫm lại và viết đôi ba dòng chia sẻ kinh nghiệm. Một là, để trả ơn EBC đã đối đãi tốt với tụi mình, cho tụi mình một chuyến trải nghiệm suôn sẻ và thú vị. Hai là, để những ai còn mê mẩn cung đường này nhưng chưa khởi hành, đọc xong có chút động lực và kinh nghiệm để trang bị thật tốt và quẩy balo lên mà đi.
1. Everest Base Camp có phải là đỉnh Everest không?
Nó quá rõ ràng từ cái tên rồi. Base camp ở đây dịch sát nghĩa là trại nền, là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình chinh phục đỉnh Everest (Everest Peak), viết tắt là EBC. Hiện nay, có 2 điểm EBC nằm ở 2 quốc gia khác nhau. Thứ nhất là South Base Camp, trại nền phía Nam, nằm ở độ cao 5.364m ở Nepal. Thứ hai là North Base Camp, trại nền phía Bắc, nằm ở độ cao 5.150m ở Tibet, China. Đối với người Việt Nam, EBC Nepal vẫn là địa điểm quen thuộc hơn cả vì thủ tục đơn giản, thông tin dễ dàng tìm kiếm và chi phí cũng có phần rẻ hơn cung còn lại.
Trong khi đó, đỉnh Everest nằm ở độ cao 8.848m, là ngọn núi cao nhất thế giới tính từ mực nước biển. Để đến được đỉnh Everest, người ta phải đến trại nền EBC, rồi Camp I, Camp II, Camp III và Camp IV. Tổng thời gian cho hành trình này rơi vào khoảng 3 tháng, với chi phí lên tới 50.000 USD/ người.
2. Có bao nhiêu cung đường để đến với Everest Base Camp?
Có 2 cung phổ biến mà dân du lịch hay chọn để đến Everest Base Camp, đó là: cung EBC cơ bản (12 ngày chưa kể ngày bay), và cung EBC có đi qua Gokyo Lake (thêm tầm 4 ngày so với cung cơ bản).

3. Thời điểm thích hợp để trek Everest Base Camp?
Có 2 mùa du lịch cao điểm của EBC là Tháng 3 – Tháng 5 và Tháng 9 – Tháng 11. Mình chọn đi đầu Tháng 3 để giảm bớt chuyện đông người ở đây. Đổi lại thời tiết lúc đó vẫn còn lạnh kinh khủng (-17 độ ở Gorakshep). Vào mùa cao điểm, nhiều bài review chê chăn nệm bẩn, nhà nghỉ bẩn, không đủ nước nóng, … thì cũng là điều dễ hiểu.

4. Cần chuẩn bị thể lực như thế nào để trek Everest Base Camp?
Có khá nhiều bài chia sẻ về việc chuẩn bị thể lực cho cung trek này. Ở đây, mình tổng hợp lại thành 2 nhóm thể lực để mọi người chuẩn bị.
4.1. Nhóm sức bền
Dĩ nhiên, với cung trek liên tục trong vòng 12-13 ngày này đòi hỏi bạn phải có sức bền tốt. Trung bình mỗi ngày trek tầm 8-10km, tương đương 6-7 hours kể cả thời gian nghỉ ngơi trên đường. Địa hình có lúc lên dốc, lúc xuống dốc nhưng đa phần ngày hôm sau ở độ cao cao hơn ngày hôm trước.
Để chuẩn bị cho nhóm sức bền, bạn có thể tập luyện bằng cách chạy bền tầm 2 tháng trước khi khởi hành. Mỗi tuần bỏ ra 2-3 buổi chạy bộ, mỗi buổi chạy 2-3-5-10km theo thứ tự tăng dần là ổn. Hoặc bạn cũng có thể tập leo cầu thang để chân quen với việc bước lên dốc và xuống dốc.
4.2. Nhóm chống sốc độ cao
Mình dùng tạm từ “nhóm chống sốc độ cao” vì chưa biết phải dùng từ gì cho đúng. Sốc độ cao, về cơ bản là khi cơ thể không đủ oxy để cung cấp cho các cơ quan, dẫn đến các hiện tượng như: chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, chảy máu mũi, mệt mỏi, và nặng hơn có thể là mất khả năng điều khiển tứ chi, mất thị giác và thậm chí là tử vong nếu không điều trị đúng cách và kịp thời.
Để chuẩn bị cho việc chống sốc độ cao, ngoài uống thuốc, bạn có thể tập luyện các bài tập hỗ trợ hơi thở, yoga là một ví dụ điển hình. Mình thì hơi lười với cả cũng không mê yoga cho lắm nên chỉ gộp chung lại trong việc chạy bền.

5. Hành lý cần chuẩn bị cho Everest Base Camp?
Có người từng nói, bạn chỉ dùng chưa đến 70% số hành lý mà bạn mang theo trong cả chuyến đi, quả thiệt cũng có lý của nó! Mình đến phát ngán khi có một số bạn vô tư phát biểu “Cứ mang theo đại đi, vì đằng nào cũng có porter khiêng đồ cho mình mà!”. Nếu bạn đọc hết bài chia sẻ của mình mà vẫn còn giữ mindset như vậy thì thôi, bấm nút biến dùm mình.
Có 3 yếu tố khiến bạn cân nhắc để chọn hành lý cho thật phù hợp: Một là, các điểm lưu trú có nước nóng để tắm hay không (mình đi 6 ngày liên tục không được tắm). Hai là, điều kiện thời tiết trong thời điểm bạn đi lạnh tới mức nào (mình đi mức lạnh nhất là -17 độ)? Ba là, số hành lý tối đa mà hãng bay cũng như porter sẽ vận chuyển giúp mình là bao nhiêu (1 porter khiêng đồ cho 2 người với trọng lượng 20kg)?
Đối với cung đường EBC cơ bản trong 12 ngày trek, thì đây là danh sách hành lý của mình:
5.1. Phần đầu
- Mũ len (loại giữ ấm được 2 tai): 1 cái
- Kính râm: 1 cái. Đây sẽ là trợ thủ đắc lực giúp bạn có thể nhìn thấy đường đi giữa mênh mông là tuyết trắng. Nên chọn loại chống tia UV tốt để bảo vệ mắt ở độ cao như EBC.
- Khăn đa năng: 1-2 cái. Dùng để giữ ấm mũi, miệng trong quá trình đi trek; hoặc có thể cover phần đầu thay cho mũ len (trong trường hợp đội mũ len quá nóng).
5.2. Phần nửa thân trên
- Áo heattech (lớp trong cùng): 4 cái. Mình chọn loại extra warm, mua từ Uniqlo.
- Áo thun mỏng ngắn tay (lớp thứ 2): 8 cái, trung bình 1 áo mặc 2 ngày
- Áo phao (lớp thứ 3): 1 cái. Riêng khoảng áo phao này thì nếu đã có từ trước thì các bạn mang theo, còn chưa có thì qua Kathmandu mà mua, chỉ có 20$ thôi rẻ quá mình không buồn mặc cả luôn.
- Áo khoác 2 lớp (lớp thứ 3, trong trường hợp áo phao không đủ ấm): 1 cái. Đây là loại có 1 lớp nỉ bên trong, 1 lớp vải/ dù chống thấm chống gió bên ngoài. Chiếc áo này sẽ giúp bạn đi trong khi tuyết rơi, hoặc trời có nhiều gió. Mình mua áo KTOM ở FAN FAN.
5.3. Phần nửa thân dưới
- Quần lót (lớp trong cùng): đủ cho số ngày đi. Nhiều người bảo mua quần lót giấy sử dụng 1 lần rồi vứt, mình thì không khuyến khích lắm. Cơ bản, quần lót nhẹ hều, mang theo rồi về tới Kathmandu đem đi giặt ủi được. Trong khi quần lót giấy nhiều khi bỏ bọc còn tốn diện tích hơn, lại còn góp phần xả thải ra môi trường, mà mang cứ cạ vào háng khó chịu vãi luôn.
- Quần heattech (lớp thứ 2): 4 cái. Mình chọn loại extra warm, mua từ Uniqlo.
- Quần legging (lớp thứ 2, nếu không có heattech): 4 cái.
- Quần dù (lớp thứ 3): 4 cái, trung bình 1 quần mặc 4 ngày. Mình chọn loại quần dù chống thấm, chống gió, có thể tháo ống. Quần này xài cho nhiều chuyến nữa, với nhiều dạng địa hình và thời tiết khác nhau nên khá là tiện.
5.4. Phần tay
- Găng tay: 1-2 cặp. Có thể chuẩn bị 1 cặp loại vải nỉ để mang lúc trek thông thường (không quá nóng), 1 cặp loại dày hơn, có khả năng chống thấm chống gió để mang vào trong khi ngồi nghỉ/ đợi bạn/ hoặc đi trong điều kiện trời đổ tuyết.
5.5. Phần chân
- Vớ: 8 đôi, trung bình 1 đôi mang 2 ngày. Hãy chọn loại vớ đủ dày, cover được cả mắt cá chân để tránh bị đau chân khi mang giày trek. Mình mua ở ON OFF.
- Giày: 1 đôi cổ vừa. Đây là thứ cực kỳ quan trọng cho chuyến đi, 50% việc bạn chinh phục được EBC hay không nằm đây này. Hãy chọn 1 đôi giày cổ vừa để hỗ trợ lực cho bạn mỗi khi leo lên/ xuống. Đừng chọn cổ ngắn vì không support lực nhiều, còn cổ cao thì lại bị vướng víu quá. Và nhớ chọn giày trek rộng hơn giày sneaker thông thường cỡ 0.5 – 1 size nha. Mình mua 1 đôi Jack Wolfskin cẩm hường bên FAN FAN.
- Băng vệ sinh: 16 miếng. Trust me, it’s worth your money! Trước chuyến đi, được người anh truyền đạt kinh nghiệm hãy mang theo băng vệ sinh để lót dưới đế giày, vừa hút ẩm, vừa chống mùi siêu hiệu quả luôn.
- Xịt khử mùi giày: tận 6-7 ngày liền không tắm, trời thì lạnh nhưng trek thì mồ hôi cứ đổ như mưa. Gặp thánh nào có mùi cơ thể thì xác định, lo mà chuẩn bị đồ để không phải mang tội đầu độc bạn cùng phòng nha.
5.6. Thuốc
- Bộ first aid: bộ sơ cứu cơ bản, tập trung vào các thuốc như đau đầu, hạ sốt, tiêu chảy, kiết lị, men tiêu hoá, các vết thương ngoài da, …
- Thuốc chống sốc độ cao: 10 viên. Mình vẫn chuẩn bị list 3 loại thuốc chống sốc độ cao khác nhau, nhưng với EBC thì chắc Diamox là được. Cả chuyến đi, mình uống đúng 1/2 viên nhưng bị phản ứng phụ (tê tay chân) nên thôi dừng luôn. Vì đi từ 2.800m lên và lịch trình có mấy ngày làm quen độ cao nên mình thấy khá ổn.
- Thuốc xịt mũi Xisat: 1 chai. Đây là thần dược cứu nguy mỗi khi đêm về, mỗi sáng thức giấc. Lên chỗ lạnh, gỉ mũi đông cứng, nhiều vô kể. Nếu cứ vô tư lấy tay ngoáy kiểu gì máu cũng tuôn, nên Xisat sẽ giúp nhẹ nhàng gỡ bỏ những vướng bận ấy.
- Nước muối sinh lý: 1 chai 0.5L. Dùng để ngậm, súc miệng nếu xuất hiện hiện tượng đau họng. Hoặc để dành rửa vết thương ngoài da (nếu có).
- Các thực phẩm chức năng: multi vitamin (1 ống), thuốc bổ não (uống 2 tuần trước chuyến đi cho đến hết chuyến, mỗi ngày 1 viên), kẹo ngậm đau họng, gel trợ lực (mấy bạn chạy bộ hay dùng).
- Dầu gió, thuốc bôi đau cơ.
- Các thể loại kem: kem dưỡng môi (siêu cần thiết vì vùng lạnh miệng mồm lở loét hết thấy ghê luôn), kem dưỡng ẩm da mặt/ body, kem chống nắng.
- Các thuốc cá nhân khác: ai có bệnh lý gì thì nhớ mang theo nha, như mình đau bao tử lúc nào cũng phải mang theo Gaviscon.
5.7. Thức ăn
Với EBC ở Nepal đã quá phổ biến, đồ ăn cũng không đến nỗi quá tệ. Tuy nhiên càng lên cao thức ăn càng hiếm, không có thịt. Lúc này “tủ đồ ăn” mang theo từ Việt Nam lại phát huy tác dụng. Mọi người chỉ nên mua những thứ thực sự cần thiết, chủ yếu là đồ ăn vặt. Chứ đừng như đoàn mình, 10 đứa mua tới đâu đó 35kg đồ ăn, cuối chuyến dư quá trời luôn, muốn xỉu :)))
- Mì tôm, miến, cháo gói: hãy mix các loại này với nhau, đừng mua mì không. Mấy ngày cuối, lôi gói miến ra ăn mà mát lòng mát dạ kinh khủng.
- Rong biển: dùng để nấu canh ăn. Chế biến dễ, nhanh, cung cấp năng lượng tốt, nhất là các vùng cao.
- Các thể loại bánh mặn: cơm cháy chà bông, chà bông, khô bò, khô gà, rong biển ăn liền.
- Các thể loại bánh ngọt: bánh gạo, Orion xoay bánh nếm kem chấm sữa, …
- Nước mắm, nước tương, tương ớt: lên trên cao không ăn được đồ ăn local, xin cơm ăn với nước mắm pha cũng thấy ngon.
- Thịt hộp: cái này mua ít ít thôi, vì thực ra cũng không ai ăn nhiều.
- KHÔNG cần mua trà, cafe vì ở các nơi đều có; trừ khi bạn bị nghiện duy nhất 1 loại cafe nào đó thì mang theo.
Review sơ qua về đồ ăn local ở EBC: Mọi thứ ăn đều khá ổn đến Namche Bazaar. Sau đó thì tần suất xuất hiện của thịt gà giảm bớt lại cho đến khi không còn nữa. Đi về mà ám ảnh luôn trứng chiên, momo, các thể loại cơm chiên, … Tuy nhiên, đối với các cung trek ở độ cao và dài ngày như vậy, có 1 nguyên tắc lạ lùng là hạn chế nạp thịt vào cơ thể, hãy chuyển qua ăn chay, ăn hạt. Và đừng quên món soup tỏi thần thánh, vừa ngon, vừa giúp hạn chế đau đầu và sốc độ cao. Và nhớ uống nước thường xuyên, ngụm nhỏ và đều nhé.
5.8. Đồ điện tử
- Các thể loại đồ chơi chụp choẹt.
- Pin dự phòng: check lại với hãng hàng không về dung lượng pin tối đa. Theo mình biết hiện nay đã cho phép pin 32.000mA lên máy bay, nhưng tốt nhất là cứ mang theo 2 cục, mỗi cục 20.000mA là ổn. Lên kia có gì thì bỏ tiền ra sạc thôi. Nếu tay nào chịu chơi, mê trek thì sắm hẳn quả pin năng lượng mặt trời, treo lên balo trong lúc trek để nạp pin, tối về xài.
- Hạt hút ẩm: mua tại các cửa hàng bán máy ảnh trên đường Trần Hưng Đạo. Mỗi người chuẩn bị 1 chiếc vớ sạch, cho hạt hút ẩm vào đó rồi để chung vào túi đựng các thiết bị điện tử.
5.9. Các vật dụng khác
- Toàn bộ hành lý có thể để trong vali hoặc balo lớn. Vì qua bên Kathmandu, đội porter sẽ chuyển đồ của bạn qua túi chuyên dụng của họ để vác.
- Balo nhỏ (loại 35L) để mang đi hằng ngày, đựng nước, các bánh kẹo, thuốc, đồ điện tử, …
- Bình giữ nhiệt: để tối mua nước nóng đổ vào, sáng hôm sau nó nguội để đánh răng là vừa. Chứ nước chai mình mua để qua đêm sáng hôm sau thiếu điều muốn đóng băng luôn. Với cả để pha lipton uống bổ sung dọc đường cho ấm.
- Đồ vệ sinh cá nhân: nhớ mang theo khăn mỏng, mau khô.
- Khăn giấy ướt, khăn giấy khô: để lau người cho sạch trong những ngày lạnh quá không tắm.
- Và đừng quên túi đựng quần áo bẩn nhé, tốt nhất là túi zip để giữ lại “hương thơm cơ thể” thấm vào quần áo trong quá trình trek.

6. Có cần mua tour khi trek Everest Base Camp hay không?
Với sự phổ biến của mình, EBC giờ đây quá dễ dàng để có thể đi mà không sợ bị nhầm đường. Tuy nhiên, đối với những ai chưa có nhiều kinh nghiệm trek ở Himalayas, mình khuyên là nên mua landtour ở Nepal trước khi đến. Lý do:
- Liên hệ trước với landtour ở Nepal trước chuyến đi để được tư vấn kỹ hơn về lịch trình, checklist hành lý, cũng như được update về tình hình thời tiết một cách chính xác nhất trước ngày khởi hành.
- Landtour sẽ giúp cho bạn rất tốt về chỗ ngủ. Khi đi tự túc hoặc thuê HDV và porter riêng khi đến Nepal, có thể cả team bạn phải tự tìm chỗ ngủ khi đến từng trạm dừng. Nếu đến sớm và may mắn, bạn sẽ tìm cho mình được 1 nhà nghỉ tốt, đồ ăn ngon. Còn lơ ngơ không biết thì …
- Chủ động chọn được đơn vị landtour uy tín.
Hiện tại mình đang làm Trip Planner tại Bucketravel, tụi mình có nhận tổ chức và hướng dẫn cho những ai muốn chinh phục EBC; từ việc chuẩn bị hành lý cho tới việc thở và giãn cơ như thế nào để tránh sốc độ cao, cùng các kiến thức và hành trang cần thiết khác.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, hi vọng các bạn sẽ có một chuyến chạm đến Everest thật thành công và nhiều trải nghiệm mỹ mãn. Phần tiếp theo sẽ là về vé máy bay và visa nhé.
Phần 2: Vé máy bay, visa du lịch và giấy phép trekking
Phần 3: Du ký Ngày 1 + Ngày 2