Với những đứa mê trekking như tôi, thì Everest Base Camp (EBC) là một cột mốc không thể nào bỏ qua trong cuộc đời. Hành trình chinh phục trại nền EBC của tôi diễn ra trong 17 ngày, từ 01.03.2019 – 17.03.2019, đầu mùa du lịch của nơi đây. Sau bài chia sẻ về việc “Chuẩn bị gì cho hành trình chinh phục Everest Base Camp” từ hơn 1 năm rưỡi trước, tôi lại tiếp tục viết lại mục du ký – kể lại những trải nghiệm của tôi trong hành trình này.
Lịch trình trekking cơ bản
- Ngày 1: Kathmandu (1.320m) – Lukla (2.804m) – Phakding (2.623m)
- Ngày 2: Phakding (2.623m) – Namche Bazar (3.440m)
- Ngày 3: Namche Bazar (3.440m) – Sargamatha National Park – Everest View Hotel (3.880m) – Namche Bazar (3.440m)
- Ngày 4: Namche Bazar (3.440m) – Tengboche (3.860m)
- Ngày 5: Tengboche (3.860m) – Dingboche (4.410m)
- Ngày 6: Dingboche
- Ngày 7: Dingboche (4.410m) – Lobuche (4.910m)
- Ngày 8: Lobuche (4.910m) – Everest Base Camp (5.364m) – Gorak Shep (5.140m)
- Ngày 9: Gorak Shep (5.140m) – Pheriche (4.240m)
- Ngày 10: Pheriche (4.240m) – Namche Bazar (3.440m)
- Ngày 11: Namche Bazar (3.440m) – Lukla (2.804m) – Kathmandu (1.320m)
Ngày 5: Tengboche (3.860m) – Dingboche (4.410m)
Ngủ dậy một đêm, tuyết đã phủ trắng khắp nơi. Hôm nay chúng tôi sẽ chính thức cán mốc lên độ cao trên 4000m. Tuy có chút hơi lo lắng vì tôi không uống thuốc sốc độ cao, nhưng lắng nghe cơ thể mình thì mọi thứ có lẽ vẫn ổn. Tôi chỉ duy trì uống hoạt huyết dưỡng não và bổ sung vitamin C như thường ngày. Tôi không uống thuốc sốc độ cao vì căn bệnh đau dạ dày của mình không cho phép, với cả thuốc còn có tác dụng phụ (đối với 1 vài người) là bị tê các đầu ngón tay và chân nên tôi không muốn dùng.

Bữa sáng diễn ra khá nhanh chóng khi chúng tôi hầu như chỉ ăn soup tỏi nóng và 1 ít bánh mì. Món soup tỏi nóng thần thánh này là cứu cánh của tôi trong những chuyến đi Ladakh trước đó vì nó dễ ăn, và được mách là giúp cải thiện chứng sốc độ cao cực kỳ tốt. Và Dil cũng đồng ý với tôi rằng, càng lên cao càng nên ăn những món ăn dễ tiêu hóa thì sẽ tốt hơn cho cơ thể.
Sau bữa sáng, chúng tôi ghé thăm tu viện Tengboche, tu viện Phật giáo Tây Tạng của cộng đồng người Sherpa lớn nhất thung lũng Khumbu. Tu viện này được xây dựng năm 1916, dựa trên vết tích là dấu chân của một vị Lama Sangwa Dorje sau khi Ngài thiền định ở đây. Trải qua nhiều lần trùng tu vì động đất (1934) và hỏa hoạn (1989), các hiện vật và tư liệu ở đây ít nhiều cũng đã vơi dần. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các tín đồ, chính quyền và cộng đồng người leo núi, tu viện đang dần được trùng tu, đặc biệt là các bức bích họa trên tường. Tu viện Tengboche còn được dân trekking thường xuyên lui tới để cầu nguyện cho chuyến đi suôn sẻ vì Hillary và Tenzing Norgay (2 người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest) là cư dân của làng này.

Rời tu viện, tôi xốc balo, sẵn sàng cho 1 ngày trek 11km trước mắt. Sau 4 ngày trek cũng đã bắt đầu biết những dụng cụ gì cần thiết xuyên suốt ngày trek nên balo cũng gọn gàng hơn. Đoạn đường khởi động khá gian nan khi phải xuống dốc trên mặt đường toàn băng trơn, nơi ra đời không biết bao nhiêu cú “chộp ếch”. Tôi chậm rãi từng bước, bám thật chặt xuống mặt đường, mỏi nhừ cả 2 chân. Thấy tốc độ như vậy không ổn, một vài người chọn đi lên phần tuyết mềm ở 2 bên đường để khỏi bị trượt, một vài người ngồi hẳn xuống để tuột xuống dốc cho nhanh. Đoạn đường băng này ngốn gần 2km, cho đến khi chúng tôi đến chiếc cầu treo bắc ngang dòng sông Imja Khola. Đứng giữa cầu treo, phóng tầm mắt ra xa, trước mặt là đỉnh Ama Dablam trắng xóa đầy kiêu ngạo. Ghét, mai mốt tau quay lại leo lên đỉnh cho bõ =))


Vừa qua sông thì lại bắt đầu lên dốc. Chúng tôi cứ thế đi chừng 2km nữa thì đến Pangboche, quyết định dừng lại để ăn trưa và nghỉ ngơi. Vẫn là món cơm chiên rau củ đã bắt đầu thấy ngán, trứng luộc và thêm chút chà bông để ăn cho đỡ ngán. Không thể phủ nhận một điều, những bữa ăn như này là để tiếp theo sức mà đi, chứ không thể nào enjoy nổi. Thi thoảng, “cơm chan nước mắt” is real đó mọi người.

Thời gian nghỉ trưa đợi nhà bếp chuẩn bị cơm và ăn cơm đâu đó hết tận 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Phải gấp rút lên đường thôi. Chúng tôi băng qua chiếc cầu treo tiếp theo và tiếp tục những con dốc. Hình như đặc sản trong cung trek này là dốc đứng sau mỗi điểm dừng chân ăn trưa thì phải. Khốn khổ vừa ních đầy bụng thì phải è cổ ra mà leo dốc. Chưa kể gió chiều lạnh thấu xương. 3 lớp áo quần trên người chả bõ cho một cơn gió vùng Himalayas. Vì chịu lạnh kém nên tôi không thể đứng chờ mọi người được dù đã cố gắng. Trên đầu mây và sương đã bắt đầu sà xuống, tuyết bắt đầu rơi lất phất rồi. Cuối cùng, tôi đành chia thành 2 nhóm, 1 nhóm đi nhanh hơn di chuyển cùng với Bamba về teahouse trước, nhóm còn lại đi chậm hơn sẽ do Dil hộ tống.

Càng về gần Dingboche, thời tiết càng ảm đạm. Có những đoạn sương mù dày đặc, trời quá lạnh khiến cho mũi ai cũng đau nhức. Đã thế, tôi lại còn bị sổ mũi. Cảm giác bị hỉ mũi, xong hít một hơi vào, trong khi đó là luồng không khí lạnh đâu đó chừng -5 độ thì có phải thốn quá không chứ!

4:30PM, chúng tôi đã về đến Dingboche. Cảm giác trước mặt là trung tâm Dingboche, nhưng vẫn phải xuống dốc rồi lại lên dốc con đường quanh co, len lỏi vào từng ngóc ngách để đến được teahouse, sao mà dài vô tận. Tôi ngồi sưởi ấm người, cầu nguyện và chờ đợi những người bạn còn lại.

Buổi tối ở Dingboche, tôi cố gắng nhờ Dil nấu soup rong biển cho mọi người, và chế mì tôm để đổi khẩu vị. Chị Duy và Chị Yến nằm lì trong phòng vì quá mệt. Tôi mang đồ ăn lên phòng, động viên 2 chị cố gắng, nghĩ về lý do mình bắt đầu hành trình, ăn một chút để lấy sức và uống thuốc, nghỉ ngơi sớm vì ngày mai sẽ có 1 ngày làm quen độ cao và nghỉ lại Dingboche, không cần phải đi trek nữa. Hôm sau mới biết 2 bà chị buồn và có chút giận vì bị bỏ lại phía sau, kèm theo sự sợ hãi giữa mênh mông là tuyết và sương. Đã thế còn mệt và đau đầu vì sốc độ cao nên nguyên một tối không ngủ được, nằm khóc quá trời, không hiểu vì sao mình phải hành hạ bản thân đến vậy. Nghĩ lại mà thấy thương ghê.
Về phần tôi, đã là ngày thứ 2 liên tiếp không tắm, người đã bắt đầu thấy rít ráy vì mồ hôi đổ ra lúc trek. Đã đến lúc phải thay bộ đồ heattech thứ 2 rồi, chứ bộ hiện tại đã bốc mùi thấy ghê rồi =)) Giải thích một xíu, vì không có nhiều tiền nên tôi chỉ có mua được 2 bộ heattech Uniqlo thôi, kèm với 1 bộ được bà chị cho mượn xài nhưng quá nhỏ. Chính vì thế để xài đủ cho hành trình, tôi đành chia ra theo lịch trình, trước mắt mỗi bộ mặt 6 ngày. Súc miệng bằng nước ấm, tích nước nóng vào bình giữ nhiệt, xức kem dưỡng môi và xức vào trong cánh mũi để chống nghẹt mũi, tôi chui vào túi ngủ yên vị. Đêm nay nhiệt độ đã xuống -9 độ rồi. Ngày mai sẽ được nghỉ ngơi đôi chút.
Ngày 6: Dingboche
Chúng tôi đang ở độ cao 4.410m so với mực nước biển. Hôm nay sẽ là ngày làm quen độ cao và thăm thú Dingboche, trek lên đỉnh Nangkartshang ở độ cao 5.083m với view ngắm đỉnh Ama Dablam đẹp nhất. Tuy đã khá mệt, và nghĩ tới con dốc ra khỏi thung lũng Dingboche là đã thấy oải, nhưng tôi vẫn quyết chí chinh phục đủ các trải nghiệm trong hành trình.

Sáng hôm nay một người anh trong đoàn sẽ bay về Kathmandu, kết thúc hành trình chinh phục EBC sớm hơn dự định vì bệnh viêm mũi dị ứng tái phát trong khi không mua được thuốc. Chị Duy và Chị Yến sẽ ở lại teahouse nghỉ ngơi. 7 người còn lại lên đường. Băng qua những con dốc men theo sườn núi, chúng tôi cũng đã đến Dingboche view point, ngắm toàn cảnh thung lũng Imja bên dưới. Đây là ngôi làng cuối cùng của người Sherpa ở khu vực Khumbu, có bãi đỗ trực thăng riêng. Theo như lời Chị Duy kể, trong buổi sáng thư thái ấy, khi chị đang ra ngoài hít thở thì bên trong khách sạn xồng xộc 1 toán người chạy vào rồi chạy ra vác một bác trekker nằm bất động vì sốc độ cao, đưa thẳng ra bãi đỗ trực thăng để quay về. Nói để chúng ta thấy, không phải ai cũng có thể chinh phục được sức mạnh của thiên nhiên.



Sau view point của Dingboche, chỉ còn tôi và Toàn theo chân Bamba tiếp tục trek lên đỉnh Nangkartshang, Anh Jack cũng có trek theo 1 đoạn rồi sau đó quyết định quay về như 4 người còn lại. Trời lại bắt đầu giăng một màn mây mù mỏng, như hòng đánh gục luôn chút cố gắng còn sót lại trong người. Nhưng đâu có dễ. Tôi bám vào từng tảng đá, leo lên cao, hăng say băng qua từng sườn núi. Chốc chốc thấy 1 đỉnh trước mặt, tôi mừng rỡ hỏi Bamba đến chưa thì nhận lại cái mỉm cười rồi lắc đầu, chưa phải điểm đích. Vượt lên trên cả mây, cuối cùng sau hơn 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới chạm được đến đỉnh Nangkartshang ở độ cao 5.083m. Nếu trời quang, từ trên đây có thể lần nữa phóng tầm mắt nhìn thấy thung lũng Imja bên dưới, thấy được những lòng sông băng vĩnh cửu. Nhưng trước mắt tôi là cả biển mây bồng bềnh, nhô lên ngọn Ama Dablam quá đỗi thân thương, hạnh phúc vô bờ bến. Bấy nhiêu thôi cũng toại nguyện rồi. Chúng tôi quyết định nán lại một lúc thật lâu, hít thở bầu không khí trong lành. Ở trên đây có cảm giác ấm hơn hẳn. Chúng tôi lôi cơm cháy, bánh ngọt ra ăn thay bữa trưa để có thêm thời gian ngắm cảnh.



3PM, theo đường cũ, chúng tôi về đến teahouse. Một buổi chiều khá nhàn nhã, chúng tôi ngồi uống trà, chia sẻ các trải nghiệm cho nhau nghe, hỏi thăm sức khỏe của 2 chị trong đoàn và lại động viên nhau cố gắng. Cũng phải thật khâm phục 2 chị, mặc dù bệnh nhưng ý chí vẫn rất kiên cường, quyết tâm đi chinh phục cho bằng được chứ không thể nào bay trực thăng về.
Buổi tối, chúng tôi nhâm nhi bát phở gói mang từ Việt Nam và hóng chuyện với các bạn trekker từ các quốc gia khác quanh chiếc lò sưởi duy nhất của teahouse. Và nhiên liệu của chiếc lò sưởi này là phân bò yak phơi khô =)) À, thi thoảng một chiếc pancake kèm chuối và chocolate sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn giữa trời lạnh như thế này.
Chúng tôi ngồi tán dóc một lúc; người thì kể chuyện đi vệ sinh cực khổ như thế nào vì không có nước để dội, vừa mở cửa vào WC thì phải hứng trọn “sản phẩm” của người đi trước; còn tôi thì kể chuyện sáng nay đánh răng bằng nước nhụy hoa nghệ tây vàng chóe, khiến cho bạn Tây bên cạnh cứ ngỡ mồm bị gì.
Kết thúc ngày thứ 6, nửa chặng đường đã qua. Ngày mai sẽ lên Lebochu với 9 thành viên còn lại.
Phần 1: Chuẩn bị
Phần 2: Vé máy bay, visa du lịch và giấy phép trekking
Phần 3: Du ký Ngày 1 + Ngày 2
Phần 4: Du kỳ Ngày 3 + Ngày 4
1 comment
Nice post, it is very rare see many birds and come in the camera frame with gorgeous mountains.