Sau nhiều lần “được” bạn bè than thở kèm bóc phốt những lần book vé máy bay qua các trang điện tử và có những trải nghiệm tồi tệ như: gọi điện thoại không ai nghe, gửi email toàn nhận thư phản hồi tự động, lúc book vé ghi có ký gửi nhưng ra sân bay làm thủ tục thì không có, bla bla … mình ngồi tổng hợp một vài thông tin, mà theo mình là căn cơ gốc rễ của mọi việc.
1. Nguồn kiểm tra giá vé và các thông tin
Có lẽ cái này không còn mới mẻ gì đối với những người thường xuyên book vé máy bay, nhưng đối với những người mới tự book vé những lần đầu thì vẫn hay nhầm lẫn. Luôn giữ trong đầu một điều rằng – giá vé và thông tin chính xác nhất luôn đến từ hãng hàng không. Đừng tin bất kỳ một thông tin nào của bên thứ 3 đưa ra mà không có kiểm chứng lại thông tin từ hãng.
Hiện nay, dưới sự lỏng lẻo trong việc quản lý tên miền, có quá nhiều trang web nhái lại hãng hàng không. Vì không muốn tăng thêm tí traffic nào cho những bên đó nên mình không đề cập trong bài viết của mình. Bạn muốn kiểm chứng thì chỉ cần google Vietjet/ Vietnam Airlines … thì sẽ ra hàng loạt các trang đạo nhái bằng cách thêm chữ i, bỏ chữ s, … muôn hình vạn trạng cách lừa dối người tiêu dùng.
Vậy, website chính thức của các hãng hàng không ở Việt Nam hiện nay là gì:
- Vietnam Airlines: https://www.vietnamairlines.com/no/vi/home | https://www.facebook.com/VietnamAirlines
- Pacific Airlines: https://www.pacificairlines.com/vn/vi/ | https://www.facebook.com/PacificAirlinesFanpage
- Vietjet Air: https://www.vietjetair.com/Sites/Web/vi-VN/Home | https://www.facebook.com/vietjetvietnam
- Bamboo Airways: https://www.bambooairways.com/ | https://www.facebook.com/BambooAirwaysFanpage
- Vietravel Airlines: https://vietravelairlines.com/vn/vi | https://www.facebook.com/VietravelAirlines.vn
Còn những website/ fanpage còn lại đều không phải của hãng.
Đối với một số người đã rành việc book vé, ngoài website của hãng thì các trang nền tảng trực tuyến là 1 lựa chọn tối ưu nhất vì tích hợp đầy đủ thông tin của các hãng bay. Tuy nhiên, các nền tảng này thi thoảng vẫn có lỗi khi việc API thông tin giá vé từ hãng về không đồng bộ, dẫn đến tình trạng lúc xem thì một giá nhưng đến khi thanh toán thì lại một giá khác (lúc trước hay xảy ra với Traveloka).
Tương tự kiểm tra giá vé, việc kiểm tra thông tin, đặc biệt là các chương trình khuyến mãi, bảng phí và lệ phí (hành lý ký gửi), điều kiện giá vé đều được công bố đầy đủ trên website của hãng hàng không. Đây là những thông tin mà đa số người dùng bỏ qua khi mua vé trên các nền tảng online khác; xong khi có chuyện xảy ra lại đổ lỗi cho hãng hàng không rồi rước cục tức vào người. Trong phạm vi bài viết ngắn với 5 hãng hàng không trong nước, mình không thể liệt kê toàn bộ các trang, chỉ có thể tóm gọn cách search như sau:
- Kiểm tra giá hành lý ký gửi + Dịch vụ cộng thêm (Suất ăn/ Ghế ngồi/ Phòng chờ) + Chi phí hoàn hủy/ thay đổi ngày bay …: search Phí và lệ phí + [tên hãng hàng không]
- Kiểm tra điều kiện giá vé (xem vé hạng abc này thì có được hoàn hủy/ đổi ngày bay không, cộng bao nhiêu dặm bay, có được đổi tên hay không, có ký gửi hay không, …): search Điều kiện giá vé + [tên hãng hàng không]
- Và dĩ nhiên chỉ click đọc những bài viết nào từ website chính hãng.
2. Cơ cấu của giá vé máy bay mà bạn phải trả
Trong phạm vi kiến thức cơ bản thì mình xin được phép chia số tiền mà bạn phải trả cho 1 vé máy bay thành 3 phần:
- Giá NET vé (chưa bao gồm VAT): là những phần mà bạn hay thấy được quảng cáo nhiều nhất như giá 0 đồng, 99.000 VNĐ, …
- Lệ phí sân bay: bao gồm phí soi chiếu an ninh, hành lý, … (không tính thuế). Phí này sẽ khác nhau tùy vào chặng bay và tùy vào hãng bay.
- Phí xuất vé: ngoại trừ Vietnam Airlines Group hiện tại đang áp dụng phí xuất vé 0đ thì các hãng còn lại đều áp dụng mức 55.000 VNĐ/ chặng/ người (vé nội địa) và 50.000 VNĐ/ chặng/ người (vé quốc tế).
Hầu hết các đại lý bán vé sẽ kiếm lời dựa trên phí xuất vé vì 2 khoản chi phí kia họ không tác động đến được. Khi ký hợp đồng đại lý (thường là đại lý cấp 2), đa phần đại lý cấp 2 sẽ được miễn phí xuất vé và được tùy ý điều chỉnh phí xuất vé theo ý của mình. Nghĩa là, nếu bán đúng như giá mà người dùng tự mua trực tuyến trên website của hãng, đại lý sẽ có lời ít nhất 55.000 VNĐ/ chặng/ người (ngoại trừ Vietnam Airlines). Điều này có thể thay đổi theo thời gian tùy theo chính sách của hãng hàng không và chính sách của các đại lý cấp 1.
3. Book vé ở kênh nào thì tốt nhất
Sau khi nắm rõ thông tin từ hãng hàng không và biết được cơ cấu giá vé, bạn có thể tự đưa ra quyết định cho mình, tùy vào nhu cầu của bản thân. Mình xin nêu ra 1 vài ưu – nhược điểm chính của 3 kênh mà mình thấy người dùng hay sử dụng nhất.
3.1. Tự book trên website của hãng hàng không
- Ưu điểm: tự mình chủ động trong việc kiểm tra giá và quyết định mua;
- Nhược điểm:
- Không có người double check thông tin;
- Tự xử lý khi có vấn đề xảy ra (việc gọi điện lên hãng hàng không luôn là một cơn ám ảnh với bất kỳ ai đã từng gọi, 7749 cuộc chưa chắc đã gặp được nhân viên của Tổng đài vì luôn trong tình trạng quá tải, email thì không xử lý cho những trường hợp gấp được);
- Giá cao hơn;
- Tự cập nhật các thay đổi (nếu có) của hãng;
- Tips: nên áp dụng cách này khi mua vé của Vietnam Airlines Group (bao gồm cả Vietnam Airlines và Pacific Airlines) vì hãng miễn phí xuất vé và chính sách của hãng cho individual user khá tốt;
3.2. Book qua các nền tảng trực tuyến (ví dụ: Traveloka, Dinogo, …)
- Ưu điểm:
- Thao tác nhanh gọn, rút gọn bớt các bước ít người sử dụng tới (ví dụ: mua trước chỗ ngồi, …);
- Giá thường rẻ hơn khi mua trực tiếp trên website của hãng, thi thoảng có các chương trình khuyến mãi của riêng nền tảng;
- Nhược điểm:
- Có thể có chính sách giá riêng mà người dùng vô tình bỏ qua, khiến các dịch vụ cộng thêm hoặc thay đổi (nếu có) giá cao hơn so với giá công bố của hãng. Cái này thực ra cũng hợp lý thôi, vì các nền tảng cũng cần tiền để trả lương cho nhân sự xử lý các dịch vụ cộng thêm của khách hàng. Mình để ý, nếu các dịch vụ đó bạn mua kèm trong quá trình mua vé thì giá cũng bằng giá của hãng thôi;
- Xử lý cực kỳ chậm khi có vấn đề xảy ra, nhất là các dịp cao điểm. Minh chứng rõ ràng nhất trong dịp Tết và các đợt bùng dịch covid-19, các nền tảng đều lúng túng và có những pha xử lý đầy căm phẫn cho người dùng;
- Khiến người dùng rơi vào thế ở giữa, khi nền tảng đùn đẩy trách nhiệm cho hãng và hãng thì đổ ngược lại cho nền tảng (vì nguyên tắc mua vé ở đâu thì xử lý ở đó)
- Tips: hãy xác định thật kỹ nhu cầu của bản thân trước khi mua qua nền tảng, mua khi có mã giảm giá tốt;
3.3. Book qua các đại lý trong nước (ví dụ: Bucketicket, …)
- Là những đơn vị kinh doanh mảng bán vé máy bay nhỏ lẻ khác, các đại lý vé cấp 2, cấp 3;
- Ưu điểm:
- Tùy vào chính sách giá của đại lý, nhưng chỉ chọn các đại lý có giá bán tốt hơn giá mua trực tiếp từ hãng (nghĩa là đại lý thu phí xuất vé thấp hơn hãng);
- Có người double check thông tin;
- Giữ được mã đặt chỗ trước khi thanh toán (sẽ tốt cho những ai muốn làm visa mà không cần phải thanh toán vé máy bay vẫn ra code vé thật)
- Xử lý vấn đề nhanh hơn: mình liên hệ được ngay (đỡ mang cục tức ò í e như tổng đài của hãng hay của các nền tảng), các đại lý còn có line riêng để liên hệ hãng nên thường xử lý cũng nhanh hơn;
- Có đơn vị cụ thể để mình phản ánh các vấn đề (nếu có);
- Nhược điểm:
- Thời gian mua vé sẽ lâu hơn 1 chút vì thời gian chờ giữa đoạn báo giá – book vé;
- Tips: chỉ mua qua các đại lý sau khi:
- Xác định rõ đây là đại lý uy tín;
- Giá vé tốt hơn giá tự mua trên website của hãng;
4. Khi nào thì được hoàn hủy hoặc thay đổi ngày khởi hành
Đây có lẽ là lăn tăn của khá nhiều người khi book vé máy bay. Nhưng chẳng có gì khó và giấu ở đây cả, hãng hàng không đã quy định rất rõ ràng trong Điều kiện giá vé. Việc của mình chỉ là lên đọc và đối chiếu xem vé mình đang mua là loại vé nào để biết ngay.
Riêng điều kiện giá vé của Vietnam Airlines phức tạp hơn 1 chút, bằng cách chia nhỏ hạng vé ra thành từng chữ cái tương ứng. Khi bạn book vé và thanh toán thành công, hãng sẽ trả về 1 email với tiêu đề “Electronic ticket receipt …” cùng 2 file đính kèm: 1 file là Travel Reservation (tạm gọi là xác nhận đặt chỗ), 1 file là Receipt. Bạn click vào file receipt –> Xem dòng Fare Basis: chữ cái đầu tiên sẽ đại diện cho hạng vé chính xác của bạn.
Riêng 1 điều khiến mọi người bực bội là việc hoàn tiền của các hãng hàng không. Khi thu tiền thì rất nhanh, khi hoàn tiền (nếu mình đáp ứng đủ điều kiện hoàn vé) thì bao giờ cũng chờ đợi trong mỏi mòn, nhân viên luôn trả lời trong vòng 90 ngày làm việc (nghĩa là không tính T7, CN và ngày Lễ Tết) hãng mới hoàn tiền về. Chưa kể nếu book qua các nền tảng trực tuyến hoặc đại lý lại áp dụng chính sách hoàn hủy khác nữa. Nhưng biết sao được, lúc mua vé phải đồng ý các điều khoản điều kiện rồi mới mua, giờ có chuyện đành phải chấp nhận thôi.
Hiện nay, một số hãng áp dụng hoàn bảo lưu định danh, nhanh chóng tức thì, nhưng tiện lợi thì mình chưa đánh giá cao lắm. Hoàn bảo lưu định danh là hình thức hoàn tiền dưới dạng như voucher (không phải tiền mặt/ cash) cho hành khách có tên trên vé, bảo lưu toàn bộ số tiền (không bao gồm phí xuất vé) mà khách đã thanh toán trên hệ thống, và có giá trị sử dụng trong vòng xx ngày (tùy hãng). Khách mua vé mới có thể sử dụng số tiền đã hoàn bảo lưu để cấn trừ vào vé mới và thanh toán phần chênh lệch còn lại với hãng.
5. Săn vé máy bay giá rẻ như thế nào?
Cách đây chừng 2-3 năm về trước, việc săn được vé 0đ được xem là khá khó khăn khi nhu cầu di chuyển cao và ít lựa chọn về hãng bay. Nhưng bây giờ thì đã khác rồi. Để săn được vé máy bay giá rẻ, cần phải:
- Nắm được thời gian khuyến mãi là khi nào: Mình hay like và chọn “get notification” trên fanpage của các hãng hàng không để nắm được lịch khuyến mãi của hãng;
- Xác định được nhu cầu bay của mình thật cụ thể: route bay, ngày bay, khoảng thời gian cất cánh dự kiến;
- Phương thức thanh toán có đủ tiền và sử dụng được ngay: Thông thường mình book vé 0đ trực tiếp trên website của hãng và thanh toán bằng thẻ tín dụng cá nhân;
- Thiết bị có kết nối internet tốt;
Đúng giờ hãng mở bán khuyến mãi thì vào đặt thôi nè.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về mảng vé máy bay để mọi người hình dung. Hi vọng giúp giải đáp một số khúc mắc cũng như giúp mọi người hiểu rõ hơn về nghiệp vụ book vé máy bay, từ đó đưa ra những lựa chọn phù hợp với mình hơn. Thời điểm bạn đọc bài viết, có thể những quy định của hãng đã thay đổi, một vài thông tin không còn chính xác nữa; hoặc có những thông tin thú vị hơn, mong bạn đọc góp ý để mình hoàn thiện.