Nằm ở khu vực hẻo lánh xa xôi nhất bang Jammu and Kashmir, Ấn Độ, thung lũng Zanskar từ lâu được biết đến như một trong những thành lũy cuối cùng của nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng cổ. Biệt lập trong hàng thế kỷ, thung lũng Zanskar được bao quanh bởi rất nhiều núi cao của dãy Himalaya hùng vỹ. Ước tính độ cao trung bình của các đỉnh núi ở Zanskar là 3.600 m, đỉnh cao nhất lên tới 7.000 m.
Đã biết trước hôm nay sẽ là một ngày dài, từ hồi đọc bài của chị Cherry, nên sáng nay 2 đứa bảo nhau dậy thật sớm. 6h30 sáng, hành lý đã được pack gọn gàng sau xe. Balo mỗi đứa để mỗi bên xe, theo liền sau là 2 can xăng, phía đuôi trên yên xe pack nốt túi đựng đồ điện tử, đồ y tế và đồ ăn. Người tính không bằng trời tính, trời xanh vốn dĩ an bài để 2 đứa hôm nay nếm chút mùi cực khổ nên khiến chiếc xe máy mãi vẫn không nổ. Lại lạch bạch chạy qua cửa hàng, tìm số điện thoại để gọi cho anh chủ xe. Đợi thêm một lúc nữa để anh check lại động cơ, hướng dẫn lại cách gạt cần xăng.
7h30 sáng, cuối cùng cũng đã rồ ga băng qua những con đường thẳng đến Padum, trái tim của Zanskar. 60km đầu tiên, quang cảnh 2 bên đường đẹp như một bức tranh. Dọc theo con sông Suru hiền hoà, chúng tôi đến vỡ oà vì cảnh quan 2 bên đường quá đẹp, chút bút lực hèn mọn này của tôi nghĩ mãi cũng không biết lấy từ để miêu tả cho xứng đáng. Chưa bao giờ tôi dám nghĩ Ấn Độ lại có một nơi đẹp đến vậy. Chúng tôi cứ mãi chần chừ, nấn ná, hết dừng chỗ này đến ghé chỗ khác để tranh thủ hít thở khí trời trong veo. Một điểm dừng thú vị, cũng đồng thời cứu rỗi đôi bàn tay bàn chân bắt đầu tê cóng vì cái lạnh là Suru Camping Ground. Chúng tôi dừng ở đây 1 lúc, tranh thủ ăn sáng và nghỉ ngơi. Chú chủ khu camping lại dễ thương, thấy 2 đứa ngồi run cầm cập bèn lôi chiếc máy sưởi bằng điện ra rồi gọi chúng tôi lại sưởi ấm; và không quên mang kèm 2 ly trà nóng.
Thung lũng Suru là một trong những thung lũng màu mỡ và đẹp nhất của bang Jammu & Kashmir, trải dài 85km trên đoạn đường nối liền giữa Kargil và Padum. Thung lũng được bao bọc bởi 2 ngọn núi tuyết hùng vĩ Nun (7.137m) và Kun (7.035m), nép mình dọc theo những ngọn đồi phía đông bắc của dãy Himalaya vĩ đại. Chính địa hình độc đáo này đã khiến Suru trở thành nơi đa dạng bậc nhất về hệ sinh thái động thực vật ở khu vực Zanskar, với những khu định cư đẹp như tranh vẽ của con người và những cánh đồng xanh tươi cùng nhiều loài hoa đầy màu sắc.
Hết 60km đầu tiên, đoạn đường đất đá xuất hiện. Lúc này, thằng Bình tuy đã quen xe nhưng vẫn phải gồng mình để vượt qua đoạn đất đá. Xe dằn xóc liên tục. Băng tuyết 2 bên bắt đầu xuất hiện. Đầu tháng 5, băng bắt đầu tan dần. Thành ra mặt đường vô số chỗ vừa ướt vừa trơn trượt, nguy hiểm thực sự.
13h00, thấp thoáng đã thấy bóng dáng thung lũng Rangdum. Nằm ở độ cao 3.657m so với mực nước biển, Rangdum là một khu vực biệt lập ở điểm cuối cùng của thung lũng Suru, một bên là những ngọn đồi đầy màu sắc, trong khi bên kia là những ngọn núi đá và những dòng sông băng (đáng chú ý nhất là sông băng Drang-drung). Thung lũng Rangdum cùng với tu viện Rangdum và những ngôi làng của người Youldo, Tashi Thongze và Chaker là khu vực dân cư cuối cùng của thung lũng Suru. Đây cũng là điểm đến của những người chăn cừu du mục, được gọi là người Doksa. Họ đến từ những triền núi ở độ cao khoảng 4.400m về phía đỉnh đèo Pensi La. Nguồn sống của cư dân nơi đây hoàn toàn phụ thuộc vào việc tiếp tế và cung cấp lương thực từ Zanskar. Chúng tôi dừng chân ở đây ăn trưa và trình diện đồn cảnh sát để làm thủ tục chẹckpoint. Cả chặng đường dài với thiên nhiên, thì những trạm checkpoint là những lần hiếm hoi chúng tôi được nói chuyện với người bản xứ. Chú cảnh sát cầm passport của tôi lên rồi “Ô hô, Vietnam. You come from Vietnam?”. Chúng tôi chỉ nói qua loa vài câu chuyện không đầu không đuôi. Được biết, mỗi ca trực của mọi người ở đây kéo dài 2 năm. Chú đã ở đây được 6 tháng. Tôi còn chả dám tưởng tượng, giữa mênh mông là tuyết mùa đông, nằm co ro trong căn phòng nhỏ, chỉ vỏn vẹn có vài ba người, làm gì cho hết ngày đoạn tháng bây giờ?
14h00, chúng tôi tiếp tục hành trình. Trời bắt đầu mù dần. Lạnh buốt mấy đầu ngón tay. Chân thằng Bình bắt đầu ướt sũng vì mấy lần chống chân xuống vũng nước và băng để giữ thế thăng bằng. Cuối cùng, cú ngã xe đầu tiên cũng đến. Vì quá mỏi, Bình chủ động cho xe ngã vào tảng băng bên trái đường. Tính là ngã để nghỉ 1 lúc rồi đứng dậy, ai dè mớ xăng trong bình xe bị tràn. Thế là 2 đứa chưa kịp thở đã phải vội vàng đứng dậy dốc hết mớ sức lực còn sót lại để dựng chiếc xe to oạch cùng mớ hành lý cồng kềnh đứng dậy. Bên kia đường là vách vực. Bên dưới, sông băng đang oằn mình tan chảy. Những mạch nước như được giải thoát sau bao tháng giam cầm nên cuồn cuộn theo dòng. Tiếp tục băng qua những đoạn đường băng tuyết. Có những đoạn xung quanh chỉ độc một màu trắng xoá và con đường tù mù phía trước. Không biết bao nhiêu lần chúng tôi tự hỏi nhau, liệu con đường này có đúng hay chăng? Không sóng điện thoại, không phương hướng. Thế nhưng đoạn đường vào Padum chỉ có duy nhất một đường này thôi, không thể nào lạc được nên lại bảo ban nhau mạnh mẽ đi tiếp. Cuối cùng, chiếc Royal Enfield Classic 500 cũng trờ được tới đỉnh đèo Pensi La. Nằm ở độ cao 4.400m so với mực nước biển, cách Rangdum 25km, đỉnh đèo Pensi La được ví như là cửa ngõ để bước chân vào khu vực Zanskar. Phía Tây đỉnh đèo là dòng sông Suru uốn lượn, phía Đông đỉnh đèo là dòng sông băng Drang-drung hùng vĩ. Tuyến đường đi qua Pensi La khá ngoằn ngoèo hiểm trở, chỉ mở cửa cho phương tiện cơ giới di chuyển qua lại trong 5 tháng ngắn ngủi từ Tháng 5 đến Tháng 10 hàng năm. Thời gian còn lại tuyến đường bắt buộc phải đóng cửa vì tuyết rơi quá dày. Sông băng Drang-drung (hay còn được là sông băng Drung Drung) được xem là một trong những sông băng lớn nhất ở khu vực Ladakh, với chiều dài khoảng 23km, nằm ở phía đông đèo Pensi La. Đây chính là nơi lưu trữ lượng nước ngọt dồi dào cho cả lưu vực Zanskar, với phần lớn lượng nước đổ về Sông Stod. Sông Stod, kết hợp với sông Doda và dòng Tsarap tạo thành con sông Zanskar hùng vĩ, uốn lượn xung quanh khu vực này.
Tới được Pensi La coi như đã hoàn thành được 1/2 chặng đường. Thằng Bình thở dài ngao ngán. Tôi thì lấy nốt chút hưng phấn xuống xe chụp lại cái cột mốc đáng nhớ này. Xung quanh tuyết rơi, không biết nên vui hay buồn. Vừa qua đỉnh một lúc, chúng tôi gặp ngay 1 chiếc ô tô 4 chỗ đang bị sa vào vũng lầy (do trời mưa, tuyết tan). Nhớ lại cảnh cả đoàn hì hục đẩy xe ở Tsomoriri hôm trước mà không ăn thua, phải gọi cứu hộ, chúng tôi quyết định dừng lại để trợ giúp. Ông chú đi 1 mình, lại phụ đẩy xe, liếc nhanh chỗ ghế ngồi, tôi quay qua bảo thằng Bình “Thôi rồi, gặp ngay gã say rượu mày ơi. Phải nghĩ phương án gì nhanh lẹ chứ đẩy nãy giờ không ăn thua, mình ở đây tới tối không về Padum kịp là tèo luôn á”. Tuyết vẫn rơi đều đặn. Chợt nhớ ra người dân ở đây vốn dĩ thật thà, nhiều khi thành ra chậm chạp. Tôi nhớ lại cái quy trình cứu hộ xe hôm trước. Đồ nghề có đủ mà bạn tài xế không mang ra xài, mà phải thử lần lượt từng cách. Đầu tiên là cào tuyết dưới bánh xe rồi đẩy xe lên, không được thì quay sang đổ đất đổ cát vào bánh xe rồi lại hè nhau ra mà đẩy. Mãi sau mới lon ton ra sau xe lấy bộ kích nâng gầm xe ô tô ra. Bó tay luôn. Và ông chú này cũng vậy. Cũng bắt đầu bằng việc tay không cào tuyết cào bùn rồi bắt chúng tôi đẩy. Rút kinh nghiệm từ bữa trước, tôi ra hiệu hỏi kích gầm xe đâu. May thay ông chú có mang. Cũng phải chật vật lắm chúng tôi mới cứu chiếc xe ra khỏi vũng lầy. Bùn bắn tung toé khắp người. Chào tạm biệt ông chú, chúng tôi vội vã lên đường. Thi thoảng tôi có ngoái lại xem nhưng một lúc sau thì mất dạng. Hi vọng ông chú đủ tỉnh táo để lái xe qua được hết đoạn đường đèo ngoằn ngoèo này.
Chặng cuối đổ đèo về tới Padum, qua hết đoạn đường tuyết là đến đoạn đường sỏi dăm. Là cú ngã ngựa lần 2. Xe xóc như được mùa, mông và yên xe chưa bao giờ bên nhau quá 5s. Tới lúc mỏi quá không gồng nổi nữa thì thằng Bình một lần nữa cho xe ngã để nghỉ. Tuy đã xuống dốc nhưng thung lũng Padum vẫn lạnh thấu xương. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi hiểu được cảm giác không thể điều khiển được cây bút là gì. Tại trạm checkpoint, tôi đã phải đau đớn nhờ người dân ở đấy viết giúp thông tin của mình vào sổ vì từng đầu ngón tay đều tê buốt, không thể quặp lấy cây viết cho tử tế. Đầy bất lực! Tại các trạm checkpoint, bạn được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, kèm ngày đến, ngày dự kiến trở về, địa điểm đến tiếp theo là gì, và biển số phương tiện mà bạn sử dụng để di chuyển. Tôi không nhớ chính xác từ Kargil vào đến Padum có bao nhiêu trạm checkpoint, hình như là 3 (1 cái trước khi đến Rangdum, 1 cái ở Rangdum và 1 cái sau khi xuống khỏi đèo Pensi La tiến vào các thôn làng).
19h30, cuối cùng chúng tôi cũng chạm được chân mình đến trung tâm thị trấn Padum. Cả thị trấn im lìm, cửa nẻo hầu như đã đóng. Tôi được đối tác (bác Stanzin) đặt cho 1 homestay từ trước. Theo chỉ dẫn của Stanzin, tôi tìm đường đến homestay. Vì không có điện thoại, tôi cố nhớ lại những gì mà Stanzin đã nói, nhưng mãi vẫn chưa tìm ra. Đang loay hoay thì gặp ngay 1 toán thanh niên chừng 3 anh lại giúp đỡ. Tôi nói tên homestay và được các anh ra hiệu chạy theo để các anh dẫn đến nơi. Trời đất, đường vào homestay như muốn doạ chết người. Cả đoạn tối như mực, lại hoang vu vắng vẻ. Tôi thì thào với thằng Bình, có khi nào 2 đứa bị dụ rồi bị cướp không mày, chứ đường gì mà thấy ghê vậy. Đến nơi, đứng gọi mãi vẫn không thấy ai. Hoá ra là nhầm. Tôi chợt nhớ ra mình có số của bác Stanzin, bèn nhờ các thanh niên kia gọi giúp cho bác. Cuối cùng bác chủ nhà homestay cũng biết tin và chạy ra ngoài đón chúng tôi vào. Nhìn bác giữa trời tối lạnh, đi chân đất vội vội vàng vàng ra đón khách, tự nhiên thấy dễ thương vô cùng. Quay sang cảm ơn 3 anh chàng tốt bụng (xin lỗi vì đã nghi ngờ các anh), chúng tôi thở phào, thu gọn hành lý nhận phòng. Bác chủ homestay đun nước nóng giúp chúng tôi, và chuẩn bị bữa tối. Đêm nay sẽ là đêm ngủ ngon nhất trần đời, mặc kệ ngày mai có chuyện gì, phải tắm rửa, ăn uống rồi đi ngủ ngay thôi.
Đọc thêm:
[Du ký] Zanskar – The search for Happiness – Part 1
[Du ký] Zanskar – The search for Happiness – Part 3